Dải đất ven biển Kê Gà từng được kỳ vọng trở thành Mũi Né thứ hai của tỉnh Bình Thuận. Nơi đây có bờ biển đẹp, phong cảnh hữu tình cùng với ngọn hải đăng 100 tuổi nổi tiếng.

Từ năm 2000, tỉnh Bình Thuận ra sức kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp. Trước lời mời gọi đó, hơn chục nhà đầu tư đã mạnh dạn đổ vốn vào đây làm du lịch, nhưng rồi bị nhận "quả đắng" ngậm ngùi do chủ trương bất nhất của nhà nước.

ke_ga1_cebc.jpg
Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Kê Gà bị thu hồi làm cảng, chết yểu cho đến ngày nay.

Dải đất ven biển Kê Gà, nơi hơn 15 năm được kỳ vọng khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ở phía Nam Bình Thuận, giờ đây chỉ là một khu hoang phế. 12 dự án du lịch lỡ đầu tư vào đây đang "khóc dở chết dở".  

Ông Nguyễn Đức Đăng Toàn cho biết gia đình ông đã bỏ ra hơn 3000 lượng vàng đề làm khu nghỉ mát 4 sao Thế Giới Xanh này. Hoạt động chưa bao lâu, thì năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận bất ngờ có thông báo thu hồi lại đất giao cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam xây dựng cảng Kê Gà.

Khu du lịch Thế Giới Xanh bỏ hoang do ảnh hưởng của quy hoạch làm cảng Kê Gà
Khu du lịch Đức Hạnh, nay đổi tên mới là Vạn Trụ, cũng chung hoàn cảnh đó. Sau nhiều năm bỏ hoang, dãy khách sạn 4 tầng đồ sộ đã xuống cấp trầm trọng. Bị thiệt hại, công ty yêu cầu bồi thường 21 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hiện tại, để sửa chữa lại và bảo dưỡng khu này, chủ đầu tư buộc phải vay ngân hàng với tiền trả lãi 100 triệu đồng mỗi tháng. 

"Từ thời điểm bắt đầu dự án khoảng năm 2002 tới thời điểm thu hồi đất, công ty đã đầu tư hơn 2.000 lượng vàng. Đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, thành ra bây giờ thiệt hại ngày càng lớn hơn", ông Vũ Chí Công nói.

Ngay từ những ngày đầu, bà Tạ Thị Phương Lý là người tâm huyết phát triển du lịch ở phía Nam Bình Thuận. Nhờ mối quan hệ rộng, bà đã kêu gọi bàn bè và đối tác ở bên Nga về đầu tư dự án nghỉ dưỡng cao cấp mang phong cách Nga trên diện tích 4 héc-ta. Khi vừa thiết kế xong, thì nhà nước lại có quyết định thu hồi đất làm cảng, chủ đầu tư buộc phải bỏ 150.000 đô la Mỹ trả cho đơn vị thiết kế. Chủ trương bất nhất "lúc làm du lịch, lúc làm cảng" đã khiến cho bà không những phí phạm công sức, tiền của đầu tư mà còn mất uy tín với các đối tác quốc tế.

Bên trong nhà hàng của khu khu lịch 4 sao Thế Giới Xanh 

Bà Lý bức xúc cho biết: Khi dừng dự án, chúng tôi đã bị đối tác phản ứng rất là mạnh. Người ta nói chúng tôi là kẻ lừa dối không trung thực. Hợp tác với người ta làm ăn, người ta đã bỏ tiền ra thiết kế, thì chúng tôi cũng đã bỏ tiền ra bồi thường cho đối tác.

Vào năm 2013, nhận thấy xây dựng cảng Kê Gà để phục vụ vận chuyển bôxit Tây Nguyên không khả thi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó đã cho dừng dự án này và yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Than Khoảng sản Việt Nam (chủ đầu tư dự án cảng Kê Gà) bồi thường thiệt hại cho các dự án du lịch.

Để bảo dưỡng và sửa chữa, KDL Vạn Trụ (tên cũ Đức Hạnh) phải đi vay ngân hàng, mỗi tháng trả khoảng 100 triệu đồng tiền lãi 
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã lập hội đồng thẩm định, xây dựng phương án bồi thường cho các dự án du lịch với tổng số tiền khoảng 85,7 tỷ đồng. Nhưng Tập đoàn than khoáng sản lại hạ mức bồi thường xuống còn 37,4 tỷ đồng. Dùng dằng mãi, đến nay việc bồi thường vẫn chưa được thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận, Hội đồng thẩm định bồi thường đã làm việc hết trách nhiệm. Mức bồi thường thiệt hại cũng đã được thống nhất giữa các thành viên hội đồng. Việc chi trả nhanh hay chậm tùy vào thiện chí của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Trung – Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Đầu năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản nhanh chóng khắc phục thiệt hại cho các dự án bị ảnh hưởng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu nào tích cực.  

Dù thế nào đi nữa, 12 chủ đầu tư du lịch bị ảnh hưởng tại Kê Gà vẫn mong được sớm giải quyết bồi thường để tái đầu tư, vực dậy các khu du lịch bị "chết yểu" bấy lâu nay do chủ trương thiếu thận trọng của nhà nước.

"Công ty đã thỏa thuận với Ban bồi thường số tiền đền bù rồi vào tháng 12 năm 2015. Nhưng đến nay vẫn chưa đền bù thiệt hại. So với tổng thiệt hại thì cái giá đền bù rất là thấp. Nhưng bên công ty cũng đồng ý mức giá đó. Cũng mong muốn khi đền bù xong, thì làm lại khu du lịch để đi vào hoạt động", ông Nguyễn Đức Đăng Toàn, Chủ đầu tư Khu du lịch Thế Giới Xanh mong muốn

Các chủ đầu tư cũng cho rằng: Nhà nước cần đối xử công bằng với các doanh nghiệp du lịch. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (là doanh nghiệp nhà nước) trực tiếp gây ra hậu quả trên thì phải có trách nhiệm bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Càng để lâu càng gây thiệt hại nặng nề cho các chủ dự án. Do vậy, các cơ quan có trách nhiệm và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cần trả công bằng cho các nhà đầu tư chân chính do chủ trương làm cảng Kê Gà./.