Nhiều loại trái cây xuất xứ từ Bình Phước như chôm chôm Thái, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng… có chất lượng không thua kém trái cây Tây Nam bộ. Nhu cầu thị trường là cần sản phẩm sạch, nhiều nhà vườn ở Bình Phước đã và đang đầu tư trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất an toàn, đồng thời kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh để có chỗ đứng vững chắc cho nông sản.

Tuy nhiên, thực tế, việc cùng nhau liên kết để đồng nhất giá bán hoặc tìm phương án xử lý khi không bán được sản phẩm còn chưa hình thành, có chăng mới chỉ manh nha ở Hợp tác xã trái cây Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long.

“Nếu xảy ra mua bán khó khăn thì chuyển sang làm kem hoặc bóc múi, hiện nay hàng bóc múi được bảo quản đông lạnh vẫn đang được tiêu thụ số lượng lớn trên thị trường” - ông Trần Văn Đương, ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long nói.

trai_cay_hgdw.jpg
Bình Phước loay hoay tìm đầu ra cho trái cây. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Với 400 cây măng cụt, gia đình ông Nguyễn Văn Thuận chú trọng chăm sóc cây theo hướng an toàn, nhưng luôn có tâm trạng lo lắng về giá cả mỗi khi đến mùa thu hoạch. Năm nay cũng không ngoại lệ.  Ông Thuận cho biết khi mới vào đầu vụ, măng cụt được bán với giá rất cao, 60 ngàn đồng/kg. Nhưng càng về sau thì giá càng giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 30 ngàn đồng/kg và việc tiêu thụ cũng chẳng dễ dàng.

“Măng cụt mà đi xuất khẩu thì giá còn được, người dân trồng trái cây cũng bấp bênh lắm. Mong muốn Nhà nước quan tâm tới trái cây sạch, giúp cho người dân trong tiêu thụ” - ông Nguyễn Văn Thuận, ở ấp Sở Xiêm, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản chia sẻ.

Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái của Bình Phước là gần 9.000 ha, tăng trên 400 ha so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích trồng các loại cây ăn trái gia tăng do thời gian qua, giá các loại trái cây ổn định ở mức cao, trong khi giá một số sản phẩm cây trồng khác xuống thấp, nên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhưng điều lo ngại hiện nay chính là sự tăng trưởng quá nóng, đặc biệt đối với các loại cây có múi như bưởi da xanh, quýt đường và sầu riêng đang tạo ra áp lực tiêu thụ trong tương lai. Việc tìm ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho trái cây sạch sẽ giúp nông dân trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển bền vững các vùng cây an trái trong thời gian tới.

“Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước có chủ trương mở cửa hàng thực phẩm sạch để tiêu thụ sản phẩm rau sạch, trái cây sạch, đặc biệt trong xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi tăng cường chứng nhận VietGAP cho rau, quả và đặc biệt là cây ăn trái” - bà Lê Thị  Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết

Tỉnh Bình Phước quy hoạch diện tích đất trồng cây ăn trái đến năm 2025 lên khoảng 13.300 ha, tập trung vào thâm canh diện tích các cây ăn trái có triển vọng của tỉnh như nhãn, xoài, sầu riêng và cây có múi. Việc nghiên cứu, ban hành các chính sách và biện pháp cụ thể để liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cần được các ngành chức năng xúc tiến nhanh, để các nông hộ canh tác cây ăn trái theo hướng an toàn và an tâm mỗi khi mùa vụ đến./.