Tại hội nghị trực tuyến, đại diện các doanh nghiệp đầu tư ở Bình Dương cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất làm mất đơn hàng, doanh thu giảm. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất đã phải bỏ ra chi phí rất lớn để thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng phát sinh nhiều vấn đề như: phát hiện F0 trong nhà máy nên phải ngưng sản xuất, công nhân bỏ về vì điều kiện sống chưa đảm bảo…

Hiện nay, dịch bệnh ở Bình Dương đã cơ bản được kiểm soát và các doanh nghiệp cũng đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên nỗi lo lớn nhất là nguy cơ bùng dịch trở lại. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Bình Dương ưu tiên vaccine tiêm mũi 2 cho công nhân để tạo hệ miễn dịch; đồng thời nới lỏng giãn cách tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; cải tiến mô hình “3 xanh” (gồm nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh) để doanh nghiệp áp dụng nhằm giảm chi phí phải lo ăn, ở cho công nhân...

Trước mong muốn của doanh nghiệp, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay địa phương đang đưa y tế tới gần dân, công nhân lao động thông qua việc thành lập hơn 140 trạm y tế lưu động ở khu phố, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho công nhân di chuyển từ nhà trọ đến công ty; tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho công nhân. Tuy nhiên, định hướng của tỉnh vẫn là “sản xuất phải an toàn” để tránh bùng phát dịch trở lại.

“Tăng cường vai trò chủ động của doanh nghiệp có thể tự test, tự kiểm tra, tự rà soát hệ thống y tế để hỗ trợ công nhân giả sử có ca F0. Địa phương sẽ tạo điều kiện cho công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc có không gian di chuyển an toàn nhất định. Trong công nhân sản xuất sẽ có bộ phận soát xét các yêu cầu cơ bản nhất để đưa công nhân vào hoạt động trở lại. Thời gian tiếp theo sẽ ban hành một cái quy định cơ bản nhất để các doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất”, ông Dũng nói.

Tính đến ngày 1/10, toàn tỉnh Bình Dương có 266 dự án đầu tư từ 23 quốc gia Châu Âu với tổng vốn đăng ký 2 tỷ 186 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Hà Lan với 42 dự án với vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD, xếp sau là Luxembourg, Thụy Sĩ và Anh…/.