Chung cư mini dễ mua khó bán
Anh Trần Hải Hòa mua một căn hộ chung cư tại ngõ 306 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) từ năm 2011 tới nay, sau 10 năm căn hộ cũng chưa được có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cả khu chung cư mini gần 30 hộ vẫn mòn mỏi chờ sổ hồng. Không chờ được sổ hồng anh Hòa đã rao bán căn hộ của mình.
“Trước đây tôi mua căn hộ này 1 tỷ 50 triệu đồng, giờ đang đăng bán 950 triệu đồng nhưng 8 tháng nay chỉ có 2 khách đến xem và họ đều thắc mắc về sổ hồng bao giờ được cấp, mình ở 10 năm nay chưa có nên cũng không biết nói sao” - anh Hòa chia sẻ.
Thời điểm khi mua nhà thì chủ đầu tư đưa ra quy định về việc cấp sổ hồng cho chung cư theo Nghị định 71, hứa hẹn đảm bảo sẽ sớm có sổ hồng. Khi các hộ về ở kín chung cư thì chủ đầu tư chỉ bàn giao sổ đỏ của lô đất cho chung cư quản lý còn từ đó tới nay không có động thái gì về làm sổ hồng cho người dân, anh Hòa cho biết thêm.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - một môi giới bất động sản hoạt động tại khu vực quận Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội) cho biết, những năm gần đây vẫn không ít nhà chung cư mini được xây. Đây là loại hình cũng có những lợi thế của nó như giá rẻ, diện tích nhỏ, nằm ở các ngõ khu vực trung tâm nên thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của chung cư mini là sổ hồng.
“Nếu có sổ hồng thì chung cư mini sẽ bán được rất nhanh nhưng hầu hết chung cư mini ở Hà Nội đều không được cấp sổ hồng vì những vướng mắc trong thủ tục pháp lý” - anh Hùng nói.
Sau nhiều dự án chung cư mini được đưa vào sử dụng mà không có sổ hồng, người mua nhà đã kén hơn với phân khúc này. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến các dự án chung cư mini kém đi tính thanh khoản, khi đối tượng của khách hàng đều là những người thu nhập thấp, trung bình đang chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19, anh Hùng cho biết.
Sổ hồng khó cấp do những vi phạm về xây dựng
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Xây dựng về các vấn đề của chung cư mini. Theo HoREA quy định cho tồn tại và cấp sổ hồng cho chung cư mini đã dẫn đến tình trạng “khoét lõm”, xây dựng tràn lan các “chung cư mini” tại các đô thị lớn. Từ đó, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị. Đồng thời gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như thiếu các tiện ích, dịch vụ phục vụ cư dân.
HoREA đã kiến nghị sửa đổi khoản 2 điều 46 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bỏ hẳn việc cấp sổ đỏ cho chung cư mini, chỉ cho phép kinh doanh cho thuê nhà.
Trong trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai phòng ở trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi phòng ở theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, thì chủ sở hữu được kinh doanh cho thuê nhà ở theo quy định của pháp luật, HoREA đề xuất.
Theo Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các vướng mắc trong việc làm sổ đỏ của chung cư mini đều từ phía chủ đầu tư không phải do người mua nhà. Các chủ đầu tư muốn tăng lợi nhuận đều xây dựng sai giấy phép, lỗi phổ biến là vượt tầng. Khi xây dựng sai phép thì cả tòa nhà sẽ không thể tách sổ hồng cho từng căn hộ.
“Chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật nhưng hiện tại người mua nhà là người gánh hậu quả chứ không phải là chủ đầu tư, đây đang là vấn đề bất cập. Người mua nhà chỉ biết mua nhà theo hợp đồng mua bán công chứng với chủ đầu tư chứ không thể can thiệp vào quá trình đầu tư xây dựng dự án” - luật sư Tuấn cho biết./.