Tiếp tục phiên họp thứ 29, sáng nay (15/7), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết điều này khi thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, điều kiện trở thành một pháp nhân của DN kinh doanh bất động sản qui định trong dự thảo Luật sẽ khắc phục được việc tay không bắt giặc. “Tôi nhớ có ông tài xế, trước lái xe cho tôi, sau cũng mở doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà không biết tiền có bao nhiêu”.

Cần thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề

Theo đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng làm rõ hơn về việc cần thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. “Có nhiều người môi giới BĐS không được đào tạo gì nhưng họ lại làm rất tốt, có nhất thiết phải cấp chứng chỉ mới được hành nghề không” – Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là việc rất cần thiết. Kinh nghiệm các nước là quản lý rất chặt các tổ chức, cá nhân môi giới BĐS. Vì việc làm này ảnh hưởng trực tiếp không chỉ quyền lợi cá nhân khách hàng mà còn cả chủ đầu tư nữa.

moi_gioi_senl.jpg

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn chứng: Như Úc, môi giới BĐS phải là luật sư. Ngươi ta làm toàn bô thủ tục bảo đảm tất cả yêu cầu theo đúng luật pháp, bảo đảm quyền lợi người mua lẫn người bán. Vì người môi giới không ăn theo 2 đầu mà trên tỷ lệ phần trăm số giao dịch thực hiện được.

“Nước ta, chúng tôi rất mong muốn cần có chứng chỉ hành nghề về môi giới BĐS. Hiện môi giới BĐS diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến khi thị trường BĐS nóng chỗ nào là có môi giới BĐS chỉ trỏ, dân dựa vào môi giới, các nhà kinh doanh cũng thế. Nhưng không phải tất cả dựa vào môi giới đều thành công, có những trường hợp rất tệ hại nhưng không được pháp luật bảo vệ” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, việc cấp chứng chỉ hành nghề có thể Nhà nước, hiệp hội cấp. Nếu nước ta phát triển thực sự là nền kinh tế thị trường việc này sẽ giao cho Hiệp hội. Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước làm để đảm bảo khách quan, công bằng.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Giàu: “Môi giới hình thành để cạnh tranh với môi giới chỉ trỏ hiện nay. Theo dự báo, hàng chục năm nữa nước ta vẫn tồn tại đội ngũ chỉ trỏ. Nếu môi giới chuyên nghiệp phát triển tốt, tạo được uy tín thì dần dần hết đất của môi giới chỉ trỏ”.

Nhiều dự án nhà ở như “ốc đảo”

Cho ý kiến về dự án luật này, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Để đảm bảo quyền lợi khách hàng khi mua, thuê mua nhà hình thành trong tương lai, theo dự án Luật thì phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật kết nối bên trong. Nhưng nếu bên ngoài hạ tầng không hoàn thành thì chịu, chẳng khác nào ốc đảo. “Vì vậy phải quy định hạ tầng nhà hoàn thành nhưng phải kết nối với hạ tầng xung quanh” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Cùng đề cập vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nương cho biết, nhiều khu đô thị không kết nối được với hạ tầng bên ngoài. “Một số cán bộ của chúng tôi vẫn phải xây nhà để ở. 5-7 năm nay chủ đầu tư cứ để thế, không xây dựng, làm nhà gì, trong khi người mua thì không có nhà ở, vẫn phải trả lãi vay ngân hàng. Nhiều người đã phải kêu lên rằng, từ ưu đãi đang trở thành ngược đãi. Từ một gia đình làm ăn bình thường bây giờ lại đi vay nợ”. Từ thực tế này, bà Nguyễn Thị Nương đề nghị: “Phải có chế tài xử lý, ngăn chặn các tình trạng này tiếp diễn trong thời gian tới”.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì chế tài xử lý trong dự án luật không rõ ràng. Luật sửa đổi này có giải quyết tình trạng hiện nay là nhà đầu tư đã xây dựng nhà hàng chục năm nay, như đường ra sân bay Nội Bài có loạt nhà xây dựng hàng chục năm nay vẫn bỏ hoang, đường lên Bắc Ninh cũng có hàng loạt biệt thự bỏ hoang… Đây chính là tiền của DN, cũng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Giờ giải quyết ra sao với hàng loạt nhà bỏ hoang như vậy, Nhà nước có thu hồi được không, ai đứng ra mua rẻ bán lại cho người khác…

Ông Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị cần quản lý chặt việc ứng tiền trước của chủ đầu tư dự án đối với khách hàng. Chỉ được sử dụng tiền ứng trước vào công trình xây dựng, cấm không được sử dụng tiền sai với cam kết với khách hàng, phải có sự bảo lãnh của một tổ chức tín dụng bằng hợp đồng bảo lãnh để khách hàng yên tâm. Nếu công trình không có bảo lãnh thì anh không được bán cho ai trong quá trình xây mà chỉ được bán khi xây xong./.