Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền ngày 23/3 đã gửi công văn tới Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) phản ứng khá gay gắt với phát biểu của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế của Bộ Tài chính về việc ông Thi cho rằng, Bộ Công Thương mới là nơi chịu chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu mới làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, lúc 21h30 ngày 21/3/2016, khi trả lời phỏng vấn của Phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh về trách nhiệm trong việc chậm đưa ra mức thuế xuất nhập khẩu mới (từ MFN - thuế suất bình đẳng theo nguyên tắc Tối huệ quốc - sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã phát biểu: "…Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định".
Phát biểu của ông Thi làm phía Bộ Công Thương bất bình, và cho rằng ông Thi chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ và Quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu.
Công văn Bộ Công thương gửi Bộ Tài chính ngày 23/3 |
Bộ Công Thương cho rằng, phát biểu của ông Thi là chưa hiểu đúng với chức năng và nhiệm vụ của hai Bộ về vấn đề này. Văn bản của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính có nhiều đoạn tô đậm các điều khoản trích trong Nghị định 83 để nhấn mạnh rằng, chính Bộ Tài chính mới phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ ban hành mức thuế xuất nhập khẩu mới, làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Công Thương trích Điều 36 và Điều 40 (điểm b, Khoản 2) của Nghị định 83 về điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước, trong đó nêu rõ: "...Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu", và cho hay: “Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu”.
Còn về phía Bộ Công Thương, công văn trích Điều 39 của Nghị định 83 nêu rõ: “Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu”. Bộ Công Thương tự nhận Bộ này đã tuân thủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83/NĐ-CP.
Bộ Công Thương cũng không quên nhắc Bộ Tài chính: Trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/3/2016, liên quan đến việc áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu khi có nhiều mức thuế suất khác nhau giữa MFN và các Hiệp định thương mại tự do, việc tính giá cơ sở của Tổ Liên ngành điều hành giá xăng dầu theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính là mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN. Và nội dung này, Bộ Công Thương đã trích trong Công văn số 17936/BTC-CST ngày 3/12/2015 của Bộ Tài chính với ý nói rằng, chính Bộ Tài chính đã có văn bản nêu rõ trách nhiệm chính của mình trong việc xây dựng chính sách thuế và tính giá cơ sở.
Đáng chú ý, văn bản của Bộ Công Thương còn đề Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (ông Phạm Đình Thi) tích cực, phối hợp trao đổi thông tin với Tổ Điều hành giá xăng dầu để công tác chủ trì, phối hợp điều hành giá xăng dầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ đã quy định tại Nghị định 83/NĐ-CP và thông tin cho báo chí hiểu đúng mối quan hệ chủ trì, phối hợp trong xây dựng chính sách thuế, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu.
Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm sớm có giải pháp tài chính tổng thể để xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng.
Công văn trên được gửi cho cả Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và một số Thứ trưởng của 2 Bộ.
Ảnh hưởng của việc chậm ban hành thuế nhập khẩu
Việc chậm ban hành thuế nhập khẩu đã đẩy giá xăng trong nước tăng lên. Dù đại diện Bộ Tài chính đã khẳng định, thuế bảo vệ môi trường tăng 300% từ ngày 1/5/2015 sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu giá dầu thế giới biến động mạnh thì việc tăng thuế sẽ tác động tới giá bán lẻ.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, nếu Bộ Tài chính sử dụng kịp thời công cụ là quỹ bình ổn giá và điều chỉnh thuế nhập khẩu thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/5/2015 sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, người tiêu dùng mất đi cơ hội giảm giá xăng, nhất là khi giá xăng trên thế giới dao động theo xu hướng giảm nhẹ. Nếu giá dầu thế giới giảm mạnh thì mức giảm trong nước sẽ thấp hơn kỳ vọng. Ngược lại, nếu giá xăng tăng mạnh, người tiêu dùng có thể phải chịu thêm chi phí.
Thống nhất với việc tăng thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết quốc tế nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, việc thay đổi chính sách thuế tại cùng một thời điểm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh.
So với mức thuế nhập khẩu xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố ngày 18/3, mức thuế nhập khẩu xăng dầu được áp dụng để tính giá cơ sở bán lẻ trong nước cũng được thay đổi. Theo đó, thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng áp dụng để tính giá cơ sở là 18,0%. Thuế nhập khẩu với dầu diesel là 0,6%, trong khi thuế áp với dầu mazút là 0,03%.
“Liên bộ vướng điều hành xăng dầu, Chính phủ phải có trách nhiệm“