Trước thông tin Việt Nam đã xuất khẩu được nguyên phụ liệu dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, thực tế con số này rất ít và hơn 70% nguyên phụ liệu dệt may vẫn phải nhập khẩu.
Ông Hồng cho biết, lâu nay Việt Nam đã xuất khẩu được một số nguyên phụ liệu như xơ, sợi dệt, vải nhưng lượng xuất không đáng kể.
Theo ông Hồng, hiện nay một số công ty nhập sợi, sản xuất thành vải, rồi xuất khẩu, và được tính là xuất khẩu nguyên phụ liệu. Trong khi đó, toàn ngành dệt may đang phụ thuộc khoảng 70% nguyên phụ liệu nhập khẩu; trong nước chỉ sản xuất được một số nguyên phụ liệu đơn giản như vải, vải lót, dây kéo, chỉ, nhãn mác ...
Năm 2013 cả nước sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên đạt 290 triệu m2, tăng 3,1% so với cùng kỳ và sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt khoảng 590 triệu m2, giảm 9,8% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương nhận định đây là xu hướng tiêu dùng ngày càng gần gũi với sản phẩm tự nhiên hơn.
Trong năm 2013 ngành dệt may Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD (tăng gần 16,3%), trong đó hàng may mặc đạt gần 17,9 tỉ USD, xuất khẩu xơ, sợi dệt và vải chiếm 2,1 tỉ USD.
Theo Bộ Công Thương, năm 2013 ngành dệt may tương đối thuận lợi do lao động ổn định, xuất khẩu sang các thị trường lớn vẫn tăng trưởng khá. Nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường mới sang các nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông, trong khi vẫn duy trì được các bạn hàng cũ trước đây là Nga, Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản, EU…/.