Báo cáo tại Hội nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2016-2020 mới đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay đơn vị đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 6 chợ bán buôn hàng may mặc, gồm chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, chợ Rồng, chợ Nghệ, chợ Sắt và chợ Soái Kinh Lâm.
Ông Lê Tiến Trường cho hay quần áo nam, nữ, trẻ em ở 6 chợ đầu mối đó đều là hàng Trung Quốc hoặc hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu |
Với 420 phiếu được phát ra, 100% ý kiến phản hồi đều cho rằng quần áo ở đây có xuất xứ Trung Quốc và chủ yếu để bán buôn (80% ).
“Chúng chủ yếu được tuồn về vùng nông thôn hoặc được bán cho các shop online, cửa hàng thời trang”, ông Trường nói.
Vị này đồng thời khẳng định quần áo nam, nữ, trẻ em ở các chợ đầu mối trên nếu không là hàng Trung Quốc thì sẽ là hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, vải không rõ nguồn gốc.
Về giá bán của các sản phẩm này, ông Trường cho hay nếu bán lẻ thì so với hàng hiệu chính hãng, nó chỉ bằng 20-30%, nếu so với sản phẩm của các doanh nghiệp Việt có thương hiệu nó bằng 30-40%.
Dù doanh thu nội địa hàng năm trung bình trên 146.000 tỷ đồng, ông Trường thừa nhận doanh nghiệp của ông đang phải cạnh tranh gay gắt để giữ, dành miếng bánh thị phần tại thị trường Việt.
“Sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng tốt sản xuất trong nước làm giảm tính linh hoạt của các thương hiệu nội địa, đẩy giá sản phẩm lên cao”, ông Trường nói.
Trong báo cáo gửi Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, vị này cho rằng các doanh nghiệp may mặc Việt phải tăng thị phần tại thị trường nội địa để cân bằng rủi ro giữa xuất khẩu và nội địa khi kinh tế thế giới biến động.
Ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu vào thị trường nội địa, có chính sách quản lý hộ kinh doanh, chính sách thuế để khuyến khích kinh doanh hàng do Việt Nam sản xuất./.Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt vẫn chưa được xử lý triệt để