Tổng cục Thống kê vừa công bố Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 sau khi điều tra chọn mẫu trên 8.100 doanh nghiệp.
Tính chung sau 14 tháng (tính từ thời điểm 1/1/2013), số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 94,4% (tỷ lệ doanh nghiệp còn hoạt động cùng thời điểm năm 2012 là 91,6%); số DN ngừng hoạt động chiếm 5,6% (tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cùng thời điểm năm 2012 là 8,4%).
Xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 cho thấy, có 51,5% số doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên qui mô về số lượng lao động như năm 2013; 38,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô lao động và chỉ có 10% số doanh nghiệp dự kiến giảm qui mô lao động.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, có 60,8% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên qui mô vốn như năm 2013; 33% số doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô vốn và chỉ có 6,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Đáng chú ý, trái ngược với dự kiến mở rộng qui mô về lao động và vốn của cùng thời kỳ, tỷ lệ số doanh nghiệp dự kiến tăng doanh thu năm 2014 so với năm 2013 cao hơn nhiều với 71,6%, chỉ có 14,7% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên qui mô và 13,7% doanh nghiệp dự kiến giảm.
Có 75,1% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2014 cao hơn năm 2013, chỉ có 5,8% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận năm 2014 bằng năm 2013 và 19,1% doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận giảm.
Có 44,2% số doanh nghiệp cho rằng khả năng và điều kiện tiếp cận nguồn vốn đối với khu vực doanh nghiệp năm 2014 không thay đổi so với năm 2013; 30% số doanh nghiệp đánh giá điều kiện sẽ tốt hơn và 12,4% số doanh nghiệp đánh giá điều kiện tiếp cận kém đi.
Tính đến thời điểm tháng 3/2014 tỷ lệ doanh nghiệp hiện đang vay vốn để sản xuất kinh doanh là 49,5% (50,5% còn lại không vay). Trong số các doanh nghiệp đang vay vốn (trong đó có doanh nghiệp vay từ 2 nguồn trở lên) thì tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn tại các NHTM nhà nước đạt cao nhất với 63,6%.
Các doanh nghiệp cũng vay vốn từ ngân hàng thương mại ngoài nhà nước, vay từ cá nhân, bạn bè, người thân cùng với tỷ lệ 29,6% và thấp nhất là từ các ngân hàng FDI với 5,9% và từ nguồn khác (như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thành lập công ty đại chúng/IPO, thuê mua,…) 4,7%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn do vẫn còn bị ảnh hưởng của thời kỳ suy giảm kinh tế trong nước và quốc tế, nhưng từ kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2012, 2013 và dự kiến 2014 cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản (lao động, vốn, doanh thu, xuất khẩu, lợi nhuận và các điều kiện khác của kinh tế vĩ mô) theo đánh giá của DN dần tốt lên.
Theo dự báo của doanh nghiệp, năm 2014 khu vực doanh nghiệp đã thoát đáy và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả quan và rõ nét hơn so với năm 2013 và 2012./.