Ngày 25/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo “Một số vấn đề lý luận-thực tiễn cốt yếu về CNH-HĐH trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam”.

Hội thảo do Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới tổ chức tại Vĩnh Phúc. Cùng dự hội thảo có Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Nguyễn Xuân Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương cùng các chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học.

doimoivn.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Nhóm kinh tế tổng kết 30 năm Đổi mới đã nhấn mạnh: “Trong 30 năm Đổi mới của đất nước, cơ cấu kinh tế của nước ta đã chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế đất nước vào kinh tế toàn cầu đã mang lại cho chúng ta những cơ hội vô cùng to lớn nhưng cũng xen lẫn nhiều thách thức không hề nhỏ”.

Các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, đề xuất các mô hình cho nền kinh tế như mô hình công nghiệp hoá rút gọn theo hướng “công nghiệp hoá hiện đại” để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm chủ lực, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng các tiêu chí của nước công nghiệp. Đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại gặp phải trong quá trình phát triển đất nước…

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng cho biết: “Đảng bộ tỉnh luôn bám sát và quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa hiện đại hóa , không ngừng nghiên cứu học tập và vận dụng sáng tạo vào thực tế của tỉnh tạo ra bước đột phá trên nhiều lĩnh vực. Chủ động kịp thời đề ra những chủ trương giải pháp đúng đắn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh như thu hút nhân tài xúc tiến đầu tư phát huy nội lực của địa phương và tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương các Bộ, ban ngành và sự đóng góp của nhân dân.”

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Một trong những thành công quan trọng của 30 năm Đổi mới là vai trò to lớn của công nghiệp hóa-hiện đại hóa, giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…

Những thành tựu của công nghiệp hóa-hiện đại hóa đã góp phần quan trọng làm cho đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, yếu kém trong quá trình phát triển. Đó là, mô hình công nghiệp hóa-hiện đại hóa chưa được định hình rõ nét, đôi khi còn cứng nhắc, chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và chưa tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn lực đầu tư nước ngoài để tạo tính lan toả, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển tương xứng…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Có thể nói chúng ta đã chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế tương đối thành công, đó là tỉ trọng của khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 38,1% năm 1986 xuống mực 18,4% năm 2013, trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp đã tăng từ 28,9% lên 38,3%. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển đã hình thành một số vùng kinh tế trọng điểm giữ vai trò động lực tăng trưởng. Nhiều khu công nghiệp khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hình thành trong cả nước thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các thành phầm kinh tế thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.”

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học phát huy dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn các vấn đề bất cập, khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt để có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, việc lựa chọn, xây dựng mô hình công nghiệp hóa-hiện đại hóa theo hướng hiện đại trong thời gian tới cần theo hướng ưu tiên nguồn lực vào ngành và lĩnh vực nào và dựa trên cơ sở thực tiễn nào, các giải pháp và chính sách ưu tiên nên được thiết kế ra sao để đạt được các mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, 3 nút thắt tăng trưởng hiện nay vẫn là vấn đề thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Vấn đề đặt ra là thời gian tới cần có các giải pháp đột phá để gỡ các nút thắt, đề xuất quan điểm, cơ chế chính sách, hệ thống giải pháp mới, kể cả cơ chế phân bổ nguồn lực (đất đai, tài nguyên, tín dụng, con người) đối với công nghiệp hóa-hiện đại hóa để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo mục tiêu hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình./.