Sáng nay (17/3), tại Quảng Ninh, Ban chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới nhóm Quốc phòng- An ninh- Đối ngoại (nhóm 3) phối hợp với Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết một số vấn đề lý luận- thực tiễn 30 năm đổi mới về “Hội nhập quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta” tại Quảng Ninh. Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng nhóm 3, Ủy viên Ban chỉ đạo.

30namdoimoi.jpg
Hội thảo diễn ra tại TP Hạ Long (Ảnh: Báo Quảng Ninh online)

Các tham luận tại Hội thảo cho thấy thực tiễn triển khai đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước tại Quảng Ninh trong 30 năm qua đã có nhiều sự đổi mới. Quá trình này đã đem lại những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới về tư duy và phát triển nên kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng đường biên giới hữu nghị, thân thiện, phát triển.

Nhờ đó đã đưa Quảng Ninh từ một tỉnh phụ thuộc hoàn toàn trợ cấp từ Trung ương đã có sự bứt phá nhanh, trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, là một trong 4 trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Đặc biệt trong 10 năm gần đây, Quảng Ninh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá, nhất là sự vận dụng chủ động, có sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách về đối ngoại để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện rõ qua việc quyết tâm cải cách hành chính, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương; xây dựng các quy hoạch để phát triển hạ tầng…

Đánh giá chung về những thành tựu này, thay mặt Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Qua 30 năm đổi mới Quảng Ninh đã khác hẳn, sản xuất 45 triệu tấn than và có khả năng còn tăng nếu có thị trường tốt, đời sống hơn 11 vạn công nhân mỏ so với trước đây rất được quan tâm. Quá trình 30 năm đã có sự thay đổi nhận thức sâu sắc quá trình chuyển đổi cơ chế, đặc biệt là hội nhập. Đến thời điểm này quá trình nhận thức của Đảng và Nhà nước ta và Quảng Ninh nói riêng đều phải nhìn nhận bây giờ phải chọn được các nhà đầu tư chiến lược. Đối với quan hệ với Trung Quốc, Quảng Ninh là một trong những tỉnh biên giới với Trung Quốc thể hiện rất rõ sự hội nhập, đặc biệt là sự hội nhập về kinh tế”.

Nhiều đại biểu đã đề xuất hướng bổ sung, giải pháp phát triển từ lý luận đến thực tiễn để đánh giá đúng đắn, khách quan những thành quả của 30 năm đổi mới trong thời gian tới, tạo động lực phát triển cho những năm tiếp theo.

Theo đó, trọng tâm là đổi mới thể chế, cải cách bộ máy, tăng cường dân chủ, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN; xác định rõ địa bàn trọng điểm để tập trung chỉ đạo; xác lập đối tác chiến lược toàn diện; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; nâng cao nhận thức của toàn xã hội…

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Đây là hội thảo quan trọng nhằm tập trung đánh giá thực tiễn đổi mới của đất nước, nhất là những năm gần đây Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

Năm 2016, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XII, dấu mốc rất quan trọng tổng kết 30 năm đổi mới đất nước. Việc đánh giá một cách khách quan, đúng đắn toàn bộ quá trình đổi mới có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Để đóng góp có hiệu quả vào báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận thự tiễn 30 năm đổi mới của Trung ương cần phải nắm vững mục đích, yêu cầu, phương châm, nội dung Ban chỉ đạo tổng kết  và Ban bí thư giao; thẳng thắn đề xuất những vấn đề, những luận điểm, những giải pháp, kiến nghị mới sát với tình hình thực tiễn của Quảng Ninh”.

Trong chương trình làm việc, chiều nay đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết 30 năm Đổi mới Nhóm 3 cùng Ban Thường vụ tỉnh Quảng Ninh đã đi thực tế tại huyện đảo Vân Đồn để nhìn nhận những thành tựu mà huyện đảo này đã đạt được trong thời gian qua, cũng như đánh giá nỗ lực và cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang đưa huyện đảo này trở thành Khu kinh tế đặc biệt./.