Đó là những chia sẻ của các diễn giả tại buổi Talkshow Sinh viên thủ đô sáng tạo, khởi nghiệp trong thời đại 4.0 vừa diễn ra tại ĐH Quốc gia Hà Nội tối 6/11.
Các diễn giả chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. |
Tại buổi Talkshow, TS Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt Group mở đầu phần trao đổi bằng những chia sẻ thực tế rằng: “Trong một lần được tiếp xúc với học sinh cấp 2, tôi có hỏi hoài bão của con là gì? Học sinh trả lời con không biết, thầy về hỏi mẹ con. Tôi đã hỏi câu hỏi này với nhiều học sinh của 2 trường THCS có tiếng ở Hà Nội và đều không nhận được câu trả lời. Các em vẫn học hết lớp 9, rồi hết lớp 12, vào đại học, nhưng sau đó nhiều em không đi làm".
TS Phan Quốc Việt cho rằng, đây thực sự là điều đáng ngại trong thế hệ trẻ khi không thể xác định rõ con đường, mục tiêu của bản thân là gì. Những năm gần đây, cụm từ khởi nghiệp được nhắc đến ở khắp mọi nơi, hàng năm có hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời, phong trào khởi nghiệp bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, con số các doanh nghiệp non trẻ “chết yểu” cũng không hề nhỏ, do nhiều khó khăn và thách thức. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, cần có một văn hóa khởi nghiệp đúng nghĩa, hay nói cách khác là cần tạo cho người trẻ đam mê với công việc, với làm giàu và xác định được mục tiêu ngay từ nhỏ.
“Người Việt Nam mạnh về phong trào, nhưng vấn đề chính là cần làm được việc trong thực tế. Người Israel dạy trẻ em cách kiếm tiền từ bé, còn ở Việt Nam, đến khi lên đại học, mới dạy cách kiếm tiền, trước đó, nếu muốn chi tiêu bất cứ thứ gì, đều xin tiền bố mẹ. Chúng ta cần xây dựng một văn hóa từ khi còn nhỏ, dạy cho trẻ đam mê làm giàu, chứ không phải chỉ là kiếm tiền. Các bạn trẻ thường nhầm lẫn rằng kinh doanh chỉ để kiếm tiền. Chúng ta cần xây dựng văn hóa khởi nghiệp ngay trong bụng mẹ, tạo cho người trẻ máu khởi nghiệp, máu làm giàu mới có thể thành công. Hiện nay sinh viên đang học quá nhiều kiến thức mà thiếu đi những kỹ năng, trải nghiệm thực tế”.
TS Phan Quốc Việt cho rằng, người trẻ muốn làm giàu trước tiên cần máu lửa, nhưng hiện nay thanh niên lại đang “thiếu máu” và khát vọng, hoài bão. “Muốn hái tiền, trước tiên cần hiến tài, đừng nên chăm chăm vội kiếm nhiều tiền, mà cần tìm cách để có thể kiếm được rất nhiều tiền sau này”, TS Việt nói.
Ông Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ chọn lọc thông tin InforRe – trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cũng cho rằng, Việt Nam chưa có văn hóa khởi nghiệp, do đó, người Việt chưa quen với việc học xong có thể bước ra start up.
Khởi nghiệp cần chuẩn bị tinh thần thất bại
Tại buổi talkshow, ông Hoàng Đình Trọng, CEO của công ty Điện lạnh TST cùng hàng loạt các công ty khác cũng đã chia sẻ về con đường khởi nghiệp từng 8 lần thất bại trước khi đi đến thành công hôm nay. Bắt đầu bằng số vốn 12,7 triệu đồng sau khi bán phần thưởng giành được từ chương trình Hãy chọn giá đúng, Hoàng Định Trọng đã mạnh dạn bắt tay vào khởi nghiệp.
Thế nhưng, khi quy mô doanh nghiệp lớn dần, số lượng nhân sự tăng lên, cũng là khi CEO này cảm thấy mất kiểm soát và hỗn loạn trong việc quản lý nhân sự cũng như giải quyết công việc. Đến khi không còn khả năng chi trả lương đúng hẹn hàng tháng, doanh nghiệp buộc phải nợ lương người lao động từ 1-6 tháng, nhân viên nghỉ việc, mất hợp đồng…
Từ những kinh nghiệm của bản thân, CEO Hoàng Đình Trọng cho rằng, việc khởi nghiệp không đơn giản, nếu không có cái nhìn dài hạn; muốn khởi nghiệp thành công, trước tiên cần biết cách đối diện với thất bại, coi số tiền mất đi như học phí để biết thêm những điều mới và đứng dậy làm tốt hơn từ những lần sau.
Nhận định về những cơ hội và thách thức của start up trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin InfoRe - Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cho rằng, không nên nhìn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với con mắt màu hồng. “Thực tế chúng ta có nhiều thách thức hơn cơ hội. Việc người trẻ cần làm rất nhiều. Thậm chí thanh niên nên đặt vấn đề khởi nghiệp như 1 trách nhiệm”.
CEO Lê Công Thành lý giải, khi Việt Nam đi qua thời kỳ dân số vàng, sẽ không còn thế mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhờ vào lao động khá rẻ. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ rút vốn, đầu tư vào các nhà máy tự động hóa, lao động mất việc làm là điều dễ thấy. Tuy nhiên, nếu khởi nghiệp, ít nhất mỗi doanh nghiệp sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động, con số này sẽ tăng dần theo quy mô, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp, từ đó giảm áp lực cho xã hội trong vấn đề giải quyết việc làm…
CEO này cho rằng, có nhiều nghề cũ mất đi, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng hứa hẹn tạo ra nhiều công việc mới. Con số này có thể lớn gấp nhiều lần số công việc cũ. Điều này đồng nghĩa với việc con người cần biết thích nghi với những điều kiện, yêu cầu mới của xã hội./.
“Chìa khóa vàng” giúp sinh viên khởi nghiệp thành công