Phát biểu tại thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ (ICYREB 2018) với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, do Học viện Tài chính tổ chức ngày 30/10, PGS-TS Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho biếthoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một giải pháp chủ đạo nhằm ứng phó hiệu quả để tranh thủ các cơ hội, đồng thời vượt qua thách thức mà các hiệp định thương mại tự do và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho Việt Nam.

Theo TS. Liên, các bài học kinh nghiệm thành công tại nhiều quốc gia như Mỹ, Israel, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam. Các quốc gia này đã biết vận dụng những yếu tố nội lực và ngoại lực phù hợp để làm nên thế mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình là “Quốc gia khởi nghiệp” Israel, với quyết tâm trở về miền đất hứa và với sự hỗ trợ của cộng đồng Do Thái ở Mỹ hay “Quốc gia khởi nghiệp” như Đức và Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ II, bắt đầu từ sự tập trung sâu sắc vào tri thức khoa học kỹ thuật cùng với trình độ văn hóa cao.

vov__mg_4115_uubf.jpg
PGS.TS Phạm Văn Liên phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. 

Bà Đàm Thị Thanh Huyền, Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại Hà Nội cho rằng, tại Việt Nam, hàng năm, khoảng 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn non trẻ và có tiềm năng phát triển rất lớn, tuy nhiên vẫn cần có cơ chế, chính sách đặc thù cùng sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp hầu hết bắt đầu bằng ý tưởng sáng tạo, dựa trên kỹ thuật, công nghệ cao, tri thức khoa học, kinh doanh vào lĩnh vực mới. Nhiều doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo khá phong phú nhưng do thiếu kinh nghiệm nên khả năng thành công tương đối thấp.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, cứ khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có tới 90 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể trong 2 năm đầu hoạt động. Nguyên nhân chính là do thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 50%), thiếu vốn (chiếm 40%) và thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh (chiếm 30%), thiếu hiểu biết về khoa học và công nghệ...

Mặc dù, hoạt động khởi nghiệp phát triển nhanh nhưng phần lớn diễn ra một cách tự phát, chưa có hệ thống và sự kết nối chặt chẽ, thậm chí nhiều hoạt động, sự kiện chỉ mang tính “phong trào” mà chưa thực sự giúp ích cho hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những khó khăn về thông tin và kết nối với các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đang hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…

Cũng theo tổ chức này, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ở trong nước chưa đáp ứng được kỳ vọng của hoạt động khởi nghiệp. Nguyên nhân là do các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thường chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chưa trang bị cho sinh viên kiến thức cần thiết trong lĩnh vực khởi nghiệp như: lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư...

Điều đáng nói, hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa chú trọng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học chưa được trang bị những nguyên lý cơ bản về kinh tế học và tiếp cận thực tiễn về kinh doanh, không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa có ý niệm đầy đủ về lập thân, lập nghiệp.

Bà Đàm Thanh Huyền nêu một nghịch lý hiện nay, tinh thần làm chủ, tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam đa số được bắt đầu từ những con người lăn lộn với thực tiễn, ít có cơ hội học hành nên phần lớn những người khởi nghiệp ở Việt Nam có trình độ học vấn thấp, còn những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn, có nhiều cơ hội khởi nghiệp thành công, lại có xu hướng đi làm công, làm thuê… Những đặc điểm đó đã tạo ra rào cản lớn cho quá trình hình thành tinh thần khởi nghiệp trong đời sống hiện đại của đất nước. 

Bài học từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện thông qua giáo dục và xã hội từ khi còn nhỏ. Vì vậy, việc cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn giáo dục-đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp. Cùng với đó, phải phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp./.