Kiến thức khởi nghiệp của sinh viên còn non trẻ

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến khởi nghiệp và xem đó là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trên thế giới cho thấy, đối tượng khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ và khởi nghiệp khi đang là sinh viên có thể không phải là con đường lựa chọn của tất cả, tuy nhiên trường học lại là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục thống kê, số lượng các công ty khởi nghiệp của không ngừng tăng lên, từ 77.552 doanh nghiệp năm 2011 đến năm 2013 con số này là 76.995, tính đến cuối năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tỷ lệ khởi nghiệp kinh doanh ở sinh viên còn thấp, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học đều có xu hướng nộp đơn tuyển dụng vào các doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có một số ít muốn khởi nghiệp bằng việc tự kinh doanh.

img_6983_1490427638132_achz.jpg
Cần trang bị kiến thức và kĩ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Lý giải cho tình trạng chỉ thích làm thuê, không thích làm chủ của sinh viên, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông và đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu kiến thức về khởi nghiệp tại Việt Nam; giáo trình chú trọng vào lý thuyết, chưa đề cao tính thực hành và kiến thức thực tiễn.

Trên thị trường cũng đang thiếu những đơn vị đào tạo về khởi nghiệp dành cho sinh viên đại học và các dịch vụ công cụ hỗ trợ khởi nghiệp. Do đó, nhiều sinh viên hiện nay thiếu kiến thức, thiếu tự tin và thiếu tầm nhìn cần thiết để có thể bắt tay khởi nghiệp kinh doanh.

Những lý do này đã dẫn đến thực tế, mỗi năm có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp, nhưng có đến 225.000 sinh viên không tìm được việc làm. Theo số liệu khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp của Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp trong nước chưa đáp ứng được kỳ vọng của hoạt động khởi nghiệp.

Bà Đàm Thị Thanh Huyền, Khoa Tài chính Ngân Hàng, Đại học Thương Mại đánh giá, Việt Nam đang mở toang cánh cửa hội nhập, một lượng lớn nguồn nhân lực từ nước ngoài sẽ đến đây làm việc. Nếu các trường đại học, cao đẳng không tự nâng chuẩn chất lượng thì sinh viên sẽ thất nghiệp ngay ở sân nhà chứ chưa nói đến cơ hội ra nước ngoài tìm việc làm.

Trong bối cảnh cạnh tranh về nhân lực do hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, bà Huyền cho rằng, vấn đề lao động và việc làm của sinh viên khi ra trường sẽ trở nên nóng hơn bao giờ hết. Do đó, các trường đại học cần trang bị hành trang công việc cho các em khi rời ghế nhà trường. Một trong những nội dung quan trọng nhất chính là các kiến thức và kĩ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Đề án hỗ trợ khởi nghiệp - “cứu cánh” cho sinh viên

Bài học khởi nghiệp ở Việt Nam đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Ngược lại, người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao”.

Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Theo đó, Đề án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Theo Đề án, đến năm 2020, 100% các trường đại học, học viện, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có ít nhất 90% học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

Đánh giá về đề án này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KHCN khẳng định, trong bối cảnh tinh thần khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đề án này ra đời đã tạo nguồn lực rất quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, đó chính là các bạn trẻ khởi nghiệp tại các trường đại học, trường cao đẳng dạy nghề ở các cơ sở đào tạo.

“Tôi đánh giá rất cao đề án này và hy vọng đề án hỗ trợ sinh viên-học sinh tại các trường Đại học, Cao đẳng nghề cùng với đề án 844 sẽ có mối quan hệ chặt chẽ, tạo nguồn lực hỗ trợ cho cả đầu vào, đầu ra cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Quất cho hay.

Theo ông Quất, dự án này mang tính khả thi cao, thể hiện ở sự hưởng ứng và hiệu quả không chỉ dừng lại ở các phong trào mà ở các nguồn kinh doanh gọi vốn trong nước và quốc tế trong giai đoạn vừa qua. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao tiềm năng, môi trường thuận lợi mà Việt Nam bước đầu tạo ra cho cộng đồng.

“Phong trào khởi nghiệp cho sinh viên hiện nay có rất nhiều điểm sáng. Nhiều trường có sáng kiến đưa doanh nhân vào trường Đại học, không chỉ là giáo dục, hướng nghiệp mà còn giúp họ xây dựng những sản phẩm, dịch vụ  sáng tạo, đặc biệt là khai thác thế mạnh về công nghệ thông tin, IOT, phần mềm. Hướng đi này rất phù hợp với xu hướng thế giới hiện nay”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP. HCM khẳng định, Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 sẽ đem lại sự hỗ trợ tích cực cho các trường Đại học, vấn đề là trên cơ sở đề án đó, từng trường Đại học sẽ phải tổ chức các hoạt động đó như thế nào cho sinh viên trường mình bởi đặc thù của mỗi trường là khác nhau.

Các trường Đại học khối kinh tế thì việc lập nghiệp, khởi nghiệp khác với các trường khối kỹ thuật, do đó từ đề án chung của Chính phủ, mỗi trường phải xây dựng một kế hoạch riêng, có như vậy mới tạo động lực tốt cho sinh viên để khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp./.