Vào thời điểm này của những năm trước, lượng du khách khắp mọi miền về tham quan, nghĩ dưỡng và tắm biển ở Hà Tĩnh rất đông. Vậy nhưng, kể từ khi hải sản chết hàng loạt do nghi vấn nhiễm độc thì tại các bãi biển nổi tiếng như: Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Đèo Con...rất đìu hiu, vắng khách.
Ông Hoàng Xuân Hướng- Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch biển Thiên Cầm huyện Cẩm Xuyên cho biết: Để đón đầu dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5, trước đó Ban đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của biển Thiên Cầm đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, làm tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...phục vụ nhu cầu du khách.
Tuy nhiên, sau sự cố hải sản chết hàng loạt tại vùng ven biển Vũng Áng thì lượng khách đột ngột giảm xuống. Nhiều đoàn đã liên hệ đặt phòng từ trước nhưng lại huỷ tour, bỏ chuyến, gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch biển. Hiện tại 12 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 750 phòng lưu trú ở Thiên Cầm chỉ có rải rác một số du khách, mặc dù ở đây nước biển vẫn trong xanh bình thường, hiện tượng tôm cá bị chết chưa xuất hiện. Ông Hướng thông tin thêm.
Nhiều hàng quán dọc ven biển Hà Tĩnh đìu hiu, vắng khách. |
Không riêng gì ở Khu du lịch biển Thiên Cầm mà tại bãi tắm Xuân Hải xã Thạch Bằng huyện Lộc Hà (PV) ghi nhận chỉ có một số ít người dân bản địa ra bờ biển để vui chơi, giải khát bằng những loại thức uống thông thường. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn trong số họ đều chung tâm lý chưa dám tắm biển cũng như thưởng thức hải sản vì lo sợ bị nhiễm độc.
Chị Lê Thị Thu- Chủ nhà hàng Hoàng Tiến ở bãi tắm Xuân Hải buồn rầu cho biết: Thời điểm này của những năm trước, bình quân mỗi ngày chị bán không dưới 20 mân hải sản phục vụ du khách, nhưng giờ đây một số lượng lớn cá, tôm, cua, ghẹ … còn tươi sống chị thu mua về bị ứ động. Chị Thu mong muốn các cơ quan chuyên môn cần sớm tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Vũng Áng và các tỉnh ven biển miền Trung để ổn định dư luận xã hội, đưa hoạt động kinh doanh du lịch biển trở lại bình thường.
Chị Lê Thị Thu buồn rầu khi hải sản tươi sống bị ứ động. |
Trao đổi với PV bà Nguyễn Thị Trâm- Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh) cho biết: Hiện tượng hải sản chết hàng loạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch biển ở Hà Tĩnh. Qua theo dõi, nắm tình hình tại các Ban Quản lý Khu du lịch biển trên địa bàn thì hầu hết các đoàn khách tham quan đều đã huỷ tour vào dịp 30/4 và 1/5. Mặc dù hiện tại chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Tổng cục du lịch Việt Nam, nhưng Sở Văn hoá cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét các phương án hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho nghành du lịch biển.
Cũng theo bà Trâm, thời điểm này toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 3.500 lao động trực tiếp và có trên 10.000 lao động gián tiếp phục vụ cho ngành du lịch biển. Hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch biển bị ngưng trệ khiến cho rất nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển bị thua lỗ, hàng nghìn lao động thiếu việc làm. Đây đang là một gánh nặng rất lớn trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành du lịch. Bà Trâm nói.
Hà Tĩnh có 137km bờ biển với nhiều bãi tắm nước trong xanh, cắt trắng mịn màng, là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Hiện tượng hải sản chết hàng loạt đã gây nên nhiều khó khăn, hệ luỵ cho ngành du lịch biển khi mùa hè đến.
"Bao giờ cho đến ngày xưa?" Có lẽ vẫn là câu hỏi lớn không chỉ riêng đối với các cơ quan chuyên môn, đối với ngành du lịch mà còn của biết bao du khách ưa thích hương vị mặn mòi của biển khi mà hải sản chết hàng loạt tại các vùng ven biển miền Trung vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân đích thực./.
Các tỉnh miền Trung yêu cầu nhà hàng không sử dụng cá chết