Câu chuyện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế những ngày qua đã khiến cuộc sống của biết bao con người bị đảo lộn, bất an. Sau khi đi tìm căn nguyên, mọi nghi ngờ đang đổ dồn về Formosa Hà Tĩnh.

ca_chet_osgr.jpg

Tại sao mọi nghi ngờ lại dồn về Formosa? Bởi xuất hiện cá chết đầu tiên ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ ngày 6/4 sau đó lan sang các tỉnh dọc bờ biển miền Trung. Và một căn cứ nữa là Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống. Đơn vị này cũng xây dựng một đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm dưới biển, nghe nói đã được cấp phép.

Ngoài ra, kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) cho thấy nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc các yếu tố khác.

Từ khi có mặt ở tại Hà Tĩnh, Formosa đã không ít lần dính bê bối gây mất lòng tin, tình cảm của người dân bản địa. Thêm một rắc rối lần này, điểm trừ với doanh nghiệp này lại càng tăng thêm.

Trong lúc người dân khốn đốn, lao đao đứng nhìn “biển chết”, không dám ra khơi, mà bụng thì đói cồn cào, lời tuyên bố của lãnh đạo Formosa như thách thức, coi đó là sự trả giá nhiễm nhiên người dân phải chịu. “Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại?... Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này… Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được” - ông Chu Xuân Phàm – đại diện Formosa trả lời báo chí.

Tuyên bố này của đại diện Formosa đặt chúng ta vào 2 lựa chọn rất rõ ràng: Muốn có tôm cá thì phải hy sinh nhà máy thép hoặc muốn có nhà máy thép thì hãy quên đi chuyện tôm cá đi. Thế nhưng, chúng ta và bất kể quốc gia nào trên thế giới cũng không thể đánh đổi bất cứ thứ gì để lấy đi sự phát triển bền vững của môi trường.

Người dân sống ven biển coi việc đi biển là nghề mưu sinh bao đời nay của gia đình họ. Có lẽ, cuộc đời họ chưa bao giờ nghĩ đến việc đánh đổi cuộc sống lâu dài lấy một khoản tiền đền bù trước mắt. Ở cái nơi toàn cát, sóng biển, nắng và gió, họ đâu có dũng cảm để đánh đổi cuộc sống của mình một cách dễ dàng và khờ khạo như vậy?

Việc xả thải ra môi trường lại mang tính hủy diệt là việc làm không thể chấp nhận được.  Bởi không một quốc gia nào trên thế giới sẵn sàng đánh đổi một lợi ích kinh tế với sự hủy diệt môi trường và sinh kế bền vững của người dân. Việc người dân mong muốn nhất hiện nay là các cơ quan chức năng cần sớm công bố kết quả kiểm nghiệm nguồn nước đồng thời phải kiểm tra nghiêm ngặt nguồn nước thải và các nguồn gây ô nhiễm từ các nhà máy. Ngay từ đầu, các cơ quan chức năng trả lời ống xả thải của Formosa đã được cấp phép, thế nhưng sau đó họ làm gì với đường ống này thì có đơn vị nào biết không?

Nếu thực sự Formosa gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường lần này thì phải có biện pháp mạnh tay như đóng cửa nhà máy và đền bù cho người dân./.