Khi đến du lịch tại các bản làng ở Sa Pa, du khách trong và ngoài nước thực sự ấn tượng với những bộ trang phục kỳ công, rực rỡ sắc màu được làm nên từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Tất cả các công đoạn từ nối lanh thành sợi dệt thành tấm vải, nhuộm lên màu, sau đó thêu thành các họa tiết hoa văn tinh xảo để làm lên bộ trang phục, đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công.
Vải được làm từ sợi lanh qua nhiều công đoạn từ tước, lăn, hong gió rồi đem luộc khi đã dệt thành thảm sau đó được ngâm trong nước chàm để có màu nâu, ngâm vào nước của loại cây có nhựa đỏ mà người Mông gọi là cây Man Chàng nên có sắc nâu ánh đỏ tự nhiên đẹp mắt. Vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Đây là việc làm đòi hỏi kiên trì, nhẫn nại. Họa tiết hoa văn thêu tay của người Mông tuy không đều, không có vẻ đẹp mười nét như mười của thêu máy, nhưng chính vẻ đẹp mộc mạc đơn sơ ấy đã làm nên nét duyên của các sản phẩm.
Dệt sợi lanh (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Chị Hoàng Hải Yến, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi đi chợ Sa Pa khá nhiều và thấy người dân có bán những mảnh vải thổ cẩm dệt máy và cả mang từ nơi khác đến nữa. Tuy nhiên sau khi xem, mua và sử dụng thì tôi thấy vẫn thích sản phẩm mà bà con dệt ở đây hơn vì nó thể hiện được nét mộc mạc, sự tỉ mỷ và nét văn hóa của đồng bào nơi đây”.
Cha truyền con nối, đời trước chỉ bảo cho đời sau, cứ thế không ai biết nghề se lanh dệt vải đã gắn bó với người Mông từ khi nào, chỉ biết rằng các thiếu nữ tuổi trăng rằm đã thuần thục với nghề ngay cả những công đoạn khó nhất. Trong các làng bản của người Mông, nhà nào cũng có khung cửi dệt vải và con gái ai cũng biết se lanh, dệt vải, thêu thùa. Người phụ nữ Mông dù đi đâu, làm gì, miễn đôi tay được rảnh là lại thoăn thoắt nối sợi, thêu thùa. Mỗi sản phẩm thổ cẩm đều đậm sâu cả hình ảnh, phẩm chất cần cù, chịu khó của người phụ nữ Mông.
Chị Lý Thị Do, ở xã Lao Chải, huyện Sa Pa nói: “Để làm ra một sản phẩm đẹp thì trước hết thì phải chọn được chất liệu vải đẹp. Bước đầu tiên là phải có mảnh vải thật vuông thì mới thêu được hình vuông vắn và đẹp. Các màu chủ đạo của người Mông là màu chàm, màu đen và xanh lá cây”.
Tuy nhiên ngành nghề truyền thống này cũng đang đứng trước cạnh tranh mới do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, xuất hiện nhiều sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng kỹ thuật công nghiệp hiện đại. Vì vậy gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đang được địa phương quan tâm, giúp đỡ người dân vừa bảo tồn được nét văn hóa đặc sắc, vừa nâng cao được kinh tế từ nghề truyền thống của đồng bào.
Anh Hứa Tân Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: “Vừa rồi chúng tôi đã giao cho phòng quản lý du lịch của huyện tiếp tục đưa ra các đề án làm sao quảng bá các hình ảnh về nghề truyền thống của đồng bào, bản sắc văn hóa và hình ảnh du lịch bản làng ở Sa Pa, làm sao khẳng định được đặc trưng, bản sắc của vùng cao”.
Để lưu giữ nghề truyền thống của địa phương và biến chúng thành sinh kế cho người dân, hầu hết các xã có thể phát triển được du lịch ở Sa Pa đều coi đây là một trong những thế mạnh trong thu hút khách du lịch đến với bản làng. Rất nhiều mô hình dịch vụ du lịch home stay được bà con thực hiện kèm theo đó là các sản phẩm thổ cẩm được bày bán, đồng thời những công xưởng thu nhỏ với đầy đủ công đoạn của nghề se lanh dệt vải, thêu thổ cẩm được thực hiện tại gia đình với mong muốn giới thiệu, quảng bá đến đông đảo du khách về nghề truyền thống của dân tộc mình./.