Mọi việc nhà của vợ, tiền làm ra của chồng
Chiều Phố Cáo, (Đồng Văn, Hà Giang) mưa sập sùi. Men theo con đường cheo leo bên sườn núi, những người đàn bà lầm lũi cõng bó cỏ to gấp 5, 6 lần thân mình, còng rạp xuống như cõng cả bầu trời trên lưng. 10 đầu ngón chân quắp lấy mặt đường trơn lầy. Sớm tinh sương, đeo quẩy tấu ra khỏi nhà, lưng còn được thẳng. Lúc về, già, trẻ ai cũng thành bà còng.
Hỏi chuyện, một chị lắc đầu, mắt nhìn xuống. Một chị chỉ cười cười. May mà có Hờ Thị Mỷ đon đả. Mới 24 tuổi, chị Mỷ kịp đẻ liền tù tì 2 đứa con.
– Thế chị có biết chữ không?
- Không biết chữ. Vì bố không cho học mà cho lấy chồng.
- Ở nhà, chị làm những gì?
- Làm nương. Cuốc rẫy. Tra hạt này! Rồi đẻ con. Nuôi con này. Cắt cỏ bò. Lấy rau lợn này. Se lanh, dệt vải, thêu váy này. Nấu ăn, giặt giũ, kiếm củi này. Gùi nước. Đi chợ... Việc gì cũng là của phụ nữ mà!
Nói xong, Mỷ quây quả bước nhanh, chiếc váy Mông nhiều nếp gấp, xoè rộng, thật gợi cảm.
Đàn bà Mông tôi gặp, chiếc gùi lúc nào cũng trên lưng, không có gùi thì địu con. Đôi chân sải bước thoăn thoắt, tay mải miết tước lanh. Cứ nhìn đôi bàn tay chai sần cáu két một màu chàm là đủ biết ai giỏi lo toan. Ấy thế, nhưng câu nói cửa miệng của người đàn ông Mông là : “Đàn bà con gái chả làm được cái gì đâu mà!”. Những việc phụ nữ làm quần quật cả đời như thế kia không bao giờ được tính là “việc”!
Chị Vương Thị Chở, cháu đời thứ 4 của gia đình họ Vương, hiện làm hướng dẫn viên du lịch khu di tích Nhà Vương ở Sà Phìn than: “Làm việc nhà, chăm sóc con cái là phận sự quan trọng nhất của người phụ nữ! Tư tưởng ấy đã găm chặt vào đầu óc đàn ông dân tộc Mông mình rồi”.
Chị Ly Thị Kía, Phó chủ tịch UBND xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) mắt một mí, hay cười, phô hàm răng trắng bóng rất có khiếu hài hước: “Mình có hẳn một ông chồng cũng làm Phó chủ tịch một xã. Nhưng nói thật, ông chồng người Mông là lười nhất. Đi cơ quan, về nhà chỉ ôm con xem phim thôi. Mình cũng đi làm việc ở xã, vừa lo gia đình, 2 đứa con nhỏ, rất vất vả. Mọi việc là của mình hết”.
“Thế ở nhà chồng chị thường làm việc gì”? Chị Kía ngẩn ra hồi lâu rồi như chợt nhớ ra: “À, việc của đàn ông là uống rượu, uống nước chè với khách. Nếu không có khách thì đi chơi lang thang chỗ này, chỗ kia. Chồng đi làm về, ăn cơm với vợ con là tốt lắm rồi”!
“Thế tiền kiếm được thì ai giữ, ai có quyền quyết định việc chi tiêu?”- “Tiền đương nhiên là của chồng rồi. Chồng giữ. Chồng cho thì mua, không cho thì thôi”. Ly Thị Kía lên giọng hai từ cuối và cười rất thoải mái, như thể điều ấy chả có gì quan trọng.
Ông chồng to bằng quả núi
Chị Vương Thị Chở, hướng dẫn viên du lịch khu di tích Nhà Vương ở Sà Phìn nói ví von rằng: “Phụ nữ Mông coi chồng to như quả núi”. Không dám làm trái ý, dù muốn cho con đi học nhưng chồng nói không thì cũng chỉ biết im lặng, cúi đầu.
Các bé gái thường không có cơ hội học lên cao, có chăng, chỉ những người “có ăn có học” thì mới cho con gái đi học tiếp. Còn thường chỉ cho học đến lớp 5, lớp 6 là coi như “xong”. Hỏi vì sao lại thế, hầu hết những người phụ nữ Mông đều giải thích: “Người Mông vẫn nặng tư tưởng coi trọng con trai. Ngay từ khi sinh ra, nếu đẻ con trai thì chôn rau rốn vào cột nhà. Còn đẻ con gái, rau rốn đem chôn vào chân giường”. Ngay từ khi chào đời, bé gái đã gắn đời mình với chiếc giường, với phận làm vợ, làm mẹ lầm lụi như con rùa ở xó cửa.
Cái lý của người Mông là “con gái đi học là học cho người khác, con trai đi học thì mới học cho nhà mình”. Vì con gái đi lấy chồng thì không phải là người nhà mình nữa. Vả lại, đàn ông Mông cho rằng “con gái không có cái trách nhiệm đi ra xã hội” nên không cần học nhiều chữ. Quan niệm truyền đời ấy đã chặn đường học của các bé gái bản Mông.
Trốn nhà theo... cái chữ
Những người phụ nữ Mông đang làm cán bộ xã, huyện mà tôi gặp ở Đồng Văn đều có một quá khứ “trốn nhà”...
Chị Ly Thị Kía, Phó chủ tịch UBND xã Sà Phìn kể: “Bố không cho đi học. Thế là trốn”. Đường học hành của chị Kía gấp khúc, đứt đoạn y như con đường núi ngày mưa. Học lớp 1, 2 ở thôn. Lên lớp 3, thôn không có lớp, phải ngừng học thời gian dài. May mà xã mở lớp xoá mù. Được 3 tháng, rồi lại đứt đoạn, một năm sau mới có lớp xóa mù mới. Ông bố cương quyết không cho học, vẫn cái lý như dao chém đá: “Học, nếu có nên người thì cũng là người của nhà khác, không phải người của nhà mình”.
Chị lại trốn nhà đến lớp. Học hết lớp 5, chị được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch hội phụ nữ xã. Lúc đó, chị Kía đã 18 tuổi. Chị quyết tâm theo lớp bổ túc trên huyện, rồi cơm đùm cơm gói về thị xã Hà Giang học đại học tại chức. Miệt mài 4 năm, tháng 4 vừa rồi, chị có tấm bằng đại học.
So với chị Ly Thị Kía, đường học của chị Vàng Thị Cầu, Phó chủ tịch Hội phụ nữ Đồng Văn còn dài gấp 3. Trông chị trẻ hơn nhiều so với tuổi 40, da trắng mịn, dong dỏng cao, đi nhanh, nói cũng nhanh, chị Cầu tự nhận mình là “gái bướng, không cam phận con rùa xó cửa”!
Là con cả trong gia đình 8 chị em, 16 tuổi vẫn mù chữ, cô giáo Phương, dạy cắm bản ngày nào cũng thấy cô bé gầy nhom, hai tay dắt 2 đứa em nhếch nhác, lưng địu đứa bé tí, đứng bên cửa sổ, ngóng vào, học lỏm. Nhiều bận, đứa em trên lưng khóc ré lên, cả lớp nhìn ra, xấu hổ quá, mới rời cửa sổ. Em nín khóc, lại mon men đến ngóng chữ.
Vàng Thị Cầu nhớ là lúc ấy chỉ muốn biết chữ để đọc được những chữ ở các tấm áp phích giăng trên đường kia. Biết chữ để đi chợ biết đường mà tính toán, không bị người ta lừa. Biết chữ sẽ tự mình đọc được truyện mình thích, không phải nhờ người khác kể cho nghe. Hễ nhìn thấy bọn trẻ trong xóm cắp sách đi qua là nài nỉ chúng dạy cho vài chữ, trả công bằng bắp ngô nướng. “Thèm chữ quá. Xin bố, bố dằn giọng bảo đi học thì cho ra khỏi nhà đi luôn”. Thủ thỉ xin mẹ, mẹ nhỏ nhẹ: “Con có những 7 đứa em, đi học, ai trông em cho mẹ đi làm?”.
Thương cảm, cô Phương nhận vào lớp xóa mù buổi tối, học với mấy bác lãnh đạo xã. “Được vài bữa, các bác lớn tuổi nghỉ cả loạt, trơ ra một mình, thế là lớp tan”. Nhưng nỗi khát khao con chữ trong chị thì vẫn bỏng cháy. Đã có mấy nhà đến hỏi về làm vợ cho con trai. Lần nào có người đến dạm hỏi là chị trốn biệt, thích đi học đến độ nằm mơ cũng thấy mình đọc chữ.
Cuối năm 1990, chị liều nhờ người làm hồ sơ giúp, nộp vào trường bổ túc. Nhân ngày bố đi chợ Yên Minh, chị trốn nhà lên Trung tâm huyện Đồng Văn học bổ túc. 18 tuổi, Vàng Thị Cầu mới học hết lớp 5 và lập gia đình.
Chị bằng lòng lấy anh, cũng là người Mông, cán bộ toà án huyện với điều kiện chồng không cấm học. Thế là hành trình gom chữ tiếp tục, học hết trung học phổ thông, rồi về Hà Nội, kẽo kẹt 11 năm, tấm bằng đại học mới về với chị. Chị Cầu bảo, “mình không tham gì, chỉ tham học, cứ ban ngày học ở giảng đường, tối đến Trung tâm tiếng Anh, tranh thủ học những chứng chỉ khác. Có kiến thức, mình tự tin hẳn lên, không còn sợ bất cứ điều gì”. Từ một giáo viên mầm non, chị được giao trọng trách Phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đồng Văn. Lăn lộn với công việc, thạo tiếng Lô Lô, biết chút tiếng Anh...Vàng Thị Cầu trở thành phiên dịch cho lãnh đạo huyện mỗi khi có sự vụ.
Những người như chị Kía, chị Cầu may có được người chồng hiểu biết, thấu cảm được ước mơ của đàn bà Mông vốn quá nhiều tầng khổ. Chị Vàng Thị Cầu tự hào về người chồng biết yêu thương, tạo điều kiện cho vợ vươn lên, vui với thành công của vợ. Ly Thị Kía dù than phiền cái sự lười việc nhà của ông chồng phó chủ tịch xã nhưng ngay sau đấy lại suýt xoa, “mình còn may chán, có ông chồng tốt, không cấm cản vợ đi học, không kêu ca phàn nàn chuyện vợ làm công tác xã hội”. Kía nở nụ cười mãn nguyện: “Có thêm cái chữ, sống của mình không còn quẩn quanh bên 4 cái chân giường! Mình đi ra bên ngoài, cái đầu nghĩ được xa hơn”.
Ở lứa tuổi 34 như Ly Thị Kía, cả xã Sà Phìn chỉ có 4 người phụ nữ Mông học hết lớp 12./.