vov_1_vpxo.jpg
Trời đang dần vào thu, thời tiết chuyển mùa dịu mát, thời điểm phù hợp nhất để du khách tham quan thành phố cực Nam Trung bộ, nơi được ví von “gió như phang, nắng như rang”, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Nơi du khách viếng thăm đầu tiên có thể là quần thể đền tháp Chăm huyền bí được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII. Tháp nằm trên đồi Trầu (Đô Vinh – Tháp Chàm). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chămpa.
Điểm tham quan mà nếu du khách sơ ý bỏ qua thì xem như chưa hề đặt chân đến Ninh Thuận, đó là làng nghề gốm Bàu Trúc - làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn bảo lưu khá tốt truyền thống chế tác hoàn toàn bằng thủ công.
Nhà trưng bày “HTX gốm Chăm” nằm ngay trung tâm làng, có diện tích chừng 300m2, du khách sẽ thấy thích thú trước một "rừng" gốm, với nhiều chủng loại khác nhau.
Theo truyền thống, nghề chế tác gốm là độc quyền của phụ nữ, còn đàn ông chỉ tham gia vào những công đoạn như đập tơi đất, nung gốm. Những người phụ nữ Chăm tạo hình cho sản phẩm của mình nhờ bàn tay khéo léo cùng những bước chân xoay quanh cột đá tròn làm trụ, chứ không dùng bàn xoay. Từ những bước chân uyển chuyển này, khối đất sét mềm mịn ban đầu, dần được thổi  hồn thành những sản phẩm handmade độc bản, có một không hai. 
Nhưng ngày nay, truyền thống ấy đã dần mai một, nhiều nam giới cũng tham gia chế tác gốm.
Tượng vũ nữ Apsara Chăm có nét hài hòa, uyển chuyển và hoàn mỹ tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Chămpa.
Bức phù điêu Nữ thần Saraswati 3 đầu - tính nữ của thần Brahma, một tay cầm hoa sen, tay cầm kiếm hàm ẩn triết lý sâu xa về sự sáng tạo, hủy diệt và tái sinh.
Những mô hình tháp Chăm tinh xảo, nhỏ nhắn gợi nhớ đến câu thơ thần bút của nhạc sĩ Văn Cao: “Từ trời xanh – rơi - vài giọt tháp Chàm”.
Gốm gia dụng là sản phẩm truyền thống của làng gốm, được sản xuất nhiều như các loại ấm nước, nồi niêu, chum vại…
Trong đó, các loại bình, lọ được sản xuất nhiều nhất với phong phú kiểu dáng, dùng trong tín ngưỡng, thờ cúng, dùng đựng nước, đựng thực phẩm trong đời sống hằng ngày của người Chăm. Vì gốm ở đây làm từ loại đất sét đặc biệt lấy ở sông Quao nên sau khi nung sẽ lên màu đẹp, bề mặt láng mịn. Nước, thức ăn đựng trong đó lâu hỏng và luôn mát hơn nhiệt độ bên ngoài.
Ngoài ra, làng gốm còn chế tác nhiều sản phẩm mỹ thuật độc đáo, dùng trang trí sân vườn, tiểu cảnh, non bộ. Điểm độc đáo nhất là gốm Bàu Trúc không nung trong lò, mà chất thành đống, phủ rơm rạ đốt lộ thiên, nhờ đó các nghệ nhân tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: đỏ hồng, vàng đỏ, đen xám,…
Nhiều tác phẩm nghệ thuật phản ánh tâm tư, tình cảm thường nhật của con người, nhưng vẫn lưu giữ đặc trưng của nghệ thuật gốm Bàu Trúc – nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.