Những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống Hà Nội.

Hà Nội có nhiều làng nghề hình thành từ lâu đời, trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã... Làng nghề Hà Nội nằm dọc các trục giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, nên thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch phục vụ du khách.

lua_hlil.jpgLàng lụa Vạn Phúc

Với mỗi làng nghề Hà Nội, du khách sẽ tìm thấy những giá trị văn hoá truyền thống ẩn chứa trong cảnh quan quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ: cổng làng, đền thờ tổ nghề, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, mái đình cổ kính, giếng nước hay trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được lưu truyền qua bao thế hệ.

Chị Mai Văn Nga, một du khách tham quan gốm Bát Tràng chia sẻ: “Tôi đến làng nghề gốm Bát Tràng để tìm tới những nghệ nhân giỏi được coi là “bảo tàng sống” của làng nghề. Tôi muốn nghe họ kể về quá trình hình thành phát triển nghề, về tổ nghề, về việc giữ nghề cổ của cha ông và xem họ trình diễn nghề”.

Chị Nguyễn Ngọc Hà, chủ một cửa hàng bán lụa tơ tằm ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông cho biết: “Chúng tôi đều hiểu, nếu kéo được khách du lịch tới thăm làng nghề thì không những bán được nhiều hàng, mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của làng mình, cũng như việc phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch là một hướng đi đúng đắn và phù hợp của Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc xưởng dệt lụa tơ tằm, làng lụa Vạn Phúc cho rằng, các tour du lịch quảng bá những sản phẩm làng nghề nếu có sức hấp dẫn sẽ thu hút được du khách. “Làng Vạn Phúc sản xuất lụa truyền thống trước chỉ để may áo dài truyền thống. Nhưng nay chúng tôi kết hợp phát triển cho khách du lịch chế biến ra những sản phẩm như: khăn quàng, cà vạt, túi xách, nơ buộc tóc làm từ lụa…”, bà Tâm nói.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, làng nghề truyền thống được xem là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt quan trọng. Bởi, các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao gồm cả nội dung giá trị vật thể và phi vật thể. Trong quá trình phát triển, làng nghề tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới, phát huy sáng tạo, tô điểm thêm nét văn hóa cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề, giữ được nét riêng của Hà Nội.

Làng gốm Bát Tràng (Ảnh: Hồng Bắc)

“Sắp tới, chúng tôi triển khai thêm các làng nghề khác. Chúng tôi đang có chương trình hỗ trợ các làng nghề làm biển báo du lịch, hoạch định các điểm đến. Khai thác các di tích danh lam thắng cảnh khác của các làng nghề để đưa khách đến để tổng hợp trong một không gian làng nghề truyền thống. Đào tạo bồi dưỡng những kiến thức căn bản về nghề để người dân phục vụ khách du lịch hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Ý thức, thái độ ứng xử cộng đồng dân cư từng bước đang làm đồng bộ”, ông Dũng cho biết.

Với những người ưa thích khám phá, những làng nghề truyền thống của Hà Nội là điểm đến hấp dẫn. Tìm hiểu, thưởng thức những nét văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi vùng miền thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo của những nghệ nhân cũng là một điều hứng thú đối với du khách đến với thủ đô Hà Nội./.