Hà Nội đang sở hữu 49 trong tổng số 52 loại hình nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề được đánh giá có tiềm năng để phát triển du lịch như: nón làng Chuông, khảm trai Chuôn Ngọ, tạc tượng Sơn Đồng, làng nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ… Những năm qua, Hà Nội hỗ trợ kinh phí cho 13 làng nghề nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, cải thiện cảnh quan môi trường, đào tạo thuyết minh viên, xúc tiến quảng bá hình ảnh làng nghề đến thị trường trong và ngoài nước; tổ chức “Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội”...
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang có những đề án, các hoạt động để hỗ trợ cho hoạt động du lịch làng nghề như biển báo chỉ dẫn khách du lịch, tờ rơi, tập gấp cho Vạn Phúc cho Bát Tràng, sắp tới sẽ làm thêm ở Chương Mỹ.
“Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng kết nối một số làng nghề đã được lựa chọn để hình thành nên các tua du lịch làng nghề truyền thống Hà nội nhằm quảng bá, giới thiệu. Chúng tôi cũng mời các chuyên gia của Pháp hỗ trợ cho Hà Nội trong phát triển làng cổ hiện nay để kết nối, phát triển các làng nghề”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định tập trung khai thác sản phẩm du lịch làng nghề theo mô hình các chương trình du lịch đồng quê, du lịch homestay (du lịch lưu trú) ở các làng nghề tiêu biểu. Đây là hướng đi đúng nhưng cần nghiên cứu tính chất của từng loại sản phẩm và làng nghề để đáp ứng nhu cầu, mục đích của từng thị trường khách trong và ngoài nước. Làng nghề, phố nghề Hà Nội nằm rải rác nhiều khu vực, làng xã xen kẽ với dân cư lao động nông nghiệp nên hạn chế trong việc tổ chức đi lại cho du khách. Do vậy, liên kết để phát triển du lịch làng nghề được xem là yêu cầu tất yếu.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Công ty Hanoi Red Tour cho rằng, chúng ta cần phải quy hoạch để đầu tư cho trọng điểm, chọn 10, 20 làng nghề, thậm chí chỉ cần 5 làng nghề trọng điểm cho 5 ngành đặc trưng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án về phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên phát triển du lịch làng nghề không chỉ của ngành du lịch, bởi bản chất du lịch là liên ngành, liên vùng vì vậy nó phải có sự liên kết.
Khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và làng nghề nói riêng thường thích tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của người dân địa phương. Nên chương trình du lịch “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân làng nghề truyền thống là hướng khai thác phù hợp. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam cho rằng, chính quyền địa phương nơi có làng nghề cần có chính sách khuyến khích người dân làm du lịch, có cơ chế đãi ngộ với nghệ nhân để động viên họ tích cực tham gia bảo tồn và phát triển nghề.
“Làng nghề muốn có du lịch tốt thì phải có nghệ nhân, nghệ nhân chính là báu vật của làng nghề. Theo tôi, chúng ta nên ứng xử với nghệ nhân, thợ giỏi như thế nào thì sẽ tốt hơn chứ cứ kêu gọi chung chung thì không được”, ông Dần nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển mạnh du lịch làng nghề thủ đô, cần nhanh chóng khắc phục những bất cập về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Ngành Du lịch cần phối hợp với các làng nghề tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên và hướng dẫn người dân làm dịch vụ ngay tại nhà, vừa đảm bảo yêu cầu phục vụ khách du lịch tốt hơn, vừa tạo nguồn thu trực tiếp cho người dân để họ gắn bó với nghề và làm du lịch có trách nhiệm hơn.
Chương trình phát triển làng nghề kết hợp du lịch từ cuối năm 2012 đến 2015 của Hà Nội xác định xây dựng 20 làng nghề du lịch, nhằm khai thác các giá trị văn hóa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần phát triển nghề thủ công truyền thống. Từ định hướng này, rất cần một cái bắt tay giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và người dân làng nghề để du lịch làng nghề Hà Nội trở thành sản phẩm hấp dẫn du khách gần xa ./.