Tính đến hết tháng 7/2022, khách du lịch nội địa của cả nước đã đạt trên 71 triệu lượt, trong khi chỉ tiêu đề ra cho cả năm chỉ là 60 triệu lượt. Tuy nhiên, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, mới đạt 733.000 lượt, tức chỉ có 15% kế hoạch đề ra trong năm là 5 triệu lượt. Tại diễn đàn “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” được tổ chức ở TP.HCM trong 2 ngày 8 và 9/8, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành du lịch đã cùng trao đổi, chia sẻ và bàn giải pháp đưa ngành du lịch Việt Nam phục hồi một cách nhanh chóng, bền vững và thực chất hơn.
Khó đón đủ khách quốc tế như kế hoạch năm
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá: Nếu không có các hành động quyết liệt, khả năng hoàn thành kế hoạch thu hút 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 sẽ rất khó khăn. Mặc dù du lịch nội địa đang bùng nổ nhưng đây có thể chỉ là hiện tượng ngắn sau thời gian người dân bị hạn chế đi du lịch trong 2 năm đại dịch. Thêm nữa, nhiều đơn vị khi phục vụ thị trường nội địa lại có tâm lý dễ dãi, chưa nỗ lực để có những sản phẩm chỉn chu; các hiện tượng kinh doanh chặt chém, chụp giật diễn ra ở nhiều nơi. Nếu cứ dễ dãi, cung cấp sản phẩm không chất lượng thì sự phục hồi của thị trường du lịch nội địa rất khó bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: “Tất cả các doanh nghiệp trong ngành phải có tư duy mới, hành động mới. Làm ăn phải căn cơ, nghiêm túc, bài bản, giữa cung và cầu phải hài hòa, chứ không phải làm theo kiểu "ăn xổi ở thì", làm nhanh, làm vội, làm nóng nhưng không xanh, không bền”.
Để thúc đẩy thu hút khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành du lịch kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế; sớm giải quyết các vấn đề bất cập về visa, hộ chiếu để khách trong nước dễ đi ra nước ngoài và khách nước ngoài cũng dễ vào Việt Nam hơn. Các thông tin về mở cửa du lịch cần được các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài công bố rộng rãi hơn bởi theo ghi nhận, rất nhiều khách, doanh nghiệp ở các nước vẫn chưa nắm được và liên tục gọi về các công ty lữ hành trong nước để hỏi về những chính sách này.
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group cho rằng một trong những chiến lược để thu hút lượng khách quốc tế lớn đến Việt Nam là cần tập trung vào du lịch MICE (tức du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị): “Thị trường MICE, du lịch cao cấp hết sức quan trọng. Chúng tôi cũng xin kiến nghị với lãnh đạo UBND TP.HCM và các tỉnh thành cần hết sức chú trọng và có kế hoạch làm sao để thu hút các chương trình, hội nghị, hội thảo,... những chương trình không phải chỉ riêng về du lịch mà còn là về ngoại giao, về văn hóa, về thể thao,... để có những sự kiện lớn, thúc đẩy thị trường MICE”.
Nhiều "điểm nghẽn" cần được giải quyết
Một đề xuất khác được bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc kinh doanh Công ty Viettours đưa ra tại diễn đàn là Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp du lịch tái đầu tư trong điều kiện kinh tế rất khó khăn sau đại dịch: "Du lịch muốn phát triển được như trước dịch thì cũng mất 3-4 năm, xin Nhà nước 3-4 năm nữa cho chúng tôi những chính sách về thuế để chúng tôi thuận tiện trong việc kinh doanh. Một vấn đề nữa là vốn. Chúng tôi muốn đầu tư, muốn cải tạo nhưng bây giờ vốn ở đâu. Chúng tôi có điều kiện để vay nhưng không vay được vì ngân hàng hết "room”".
Cũng trong diễn đàn, câu chuyện về thiếu nguồn nhân lực du lịch sau dịch COVID-19 trở nên rất nóng và được đưa ra bàn luận trong 1 phiên hội thảo riêng. Do sự chuyển dịch việc làm của đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn sau dịch bệnh nên hiện giờ hầu hết các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, các cơ sở lưu trú trong cả nước đều thiếu nhân sự, nhất là nhân sự lành nghề. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ giảm sút hoặc không đáp ứng được hết nhu cầu của khách.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận nói: “Đây là khó khăn chung, hầu như địa phương nào cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực cho du lịch và chúng tôi đang phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn này”.
Ngoài những vấn đề trên thì các giải pháp về liên kết du lịch, phát triển du lịch bền vững hay chuyển đổi số trong du lịch cũng được các đại biểu đề xuất. Rõ ràng du lịch Việt Nam mở cửa nhưng vẫn còn quá nhiều “điểm nghẽn”. Dự báo với những bất ổn về chính trị, lạm phát kinh tế và tình hình dịch bệnh đang diễn ra trên toàn cầu thì việc thu hút du khách quốc tế trở lại Việt Nam sẽ còn rất nhiều khó khăn. Muốn du lịch phục hồi thực sự thì phải sớm giải quyết những “điểm nghẽn” và cần một chiến lược tổng thể bài bản, dài hơi./.