Bộ trưởng Kinh tế Sáng tạo và Du lịch Indonesia, ông Sandiaga Uno, hôm 8/8 cho biết theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo và ý kiến của nhiều bên liên quan, việc tăng giá vé thăm quan Vườn quốc gia Komodo sẽ tạm lui đến ngày 1/1/2023. Theo Bộ trưởng Sandiaga Uno, chính phủ Indonesia sẽ giải thích chính sách mới rõ ràng hơn với công chúng, trong khi ngành du lịch tỉnh Đông Nusa Tenggara tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch.

Trước đó, hồi đầu tháng 8, Bộ Kinh tế Sáng tạo và Du lịch Indonesia đã công bố kế hoạch tăng giá vé thăm Vườn quốc gia Komodo từ khoảng 10 USD/người lên tới hơn 250 USD/người. Chính quyền Indonesia cho rằng việc tăng giá vé sẽ giới hạn lượng du khách, đồng thời giúp địa phương có thêm kinh phí duy trì hệ sinh thái, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn, nước uống để bảo tồn rồng Komodo.

Tuy nhiên, giá vé đột ngột tăng gấp 25 lần khiến cộng đồng cư dân địa phương, đặc biệt là những người làm du lịch “dậy sóng”. Họ cho rằng lượng du khách giảm sẽ khiến sinh kế và việc làm trở nên bấp bênh. Hàng chục doanh nghiệp du lịch tại Labuan Bajo đã tạm ngưng các dịch vụ từ đầu tháng 8 để phản ứng trước vấn đề này. Du lịch Indonesia lập tức hứng chịu thiệt hại hàng chục triệu USD do nhiều khách du lịch nước ngoài và nội địa hủy các chuyến đi đến Labuan Bajo.

Là một di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh, Vườn quốc gia Komodo bao gồm 3 hòn đảo lớn là Komodo, Padar và Rinca cùng 26 hòn đảo nhỏ hơn, là môi trường sống tự nhiên của rồng Komodo - loài thằn lằn khổng lồ duy nhất còn sót lại trên thế giới và đã được đưa vào Sách Đỏ. Ước tính hiện chỉ còn khoảng hơn 3.300 cá thể rồng Komodo sinh sống tại đây.

Chính phủ Indonesia đã chọn Labuan Bajo, khu vực bao gồm Vườn Quốc gia Komodo, là một trong năm điểm du lịch ưu tiên hàng đầu. Bốn điểm còn lại là đền Borobodur ở tỉnh Trung Java, hòn đảo nghỉ dưỡng Likupang thuộc tỉnh Bắc Sulawesi, điểm du lịch thể thao Mandalika ở tỉnh Tây Nusa Tenggara, và hồ Toba ở tỉnh Bắc Sumatra./.