Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Quy hoạch mới) đang trong giai đoạn lấy ý kiến, sau đó sẽ tổng hợp, hoàn thiện trong năm 2022. Đây được coi là bản quy hoạch quan trọng của ngành du lịch, thay cho Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 (gọi tắt là Quy hoạch cũ).
Trong dự thảo Quy hoạch mới, vấn đề xác định khu vực tiềm năng để bổ sung vào danh mục, tiến tới công nhận là khu du lịch quốc gia (khu DLQG) được nhiều địa phương quan tâm. Theo Quy hoạch cũ và những lần bổ sung sau này, Việt Nam có khoảng 50 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu khu DLQG, tuy nhiên đến nay mới công nhận được 7 khu.
Đơn vị tư vấn Quy hoạch mới cho biết trong quá trình soạn thảo, các địa phương đề xuất thêm 52 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu DLQG. Bản dự thảo rút ngắn các đề xuất và chỉ bổ sung 22 địa điểm, đồng thời đề nghị đưa 1 địa điểm ra khỏi danh mục. Như vậy dự kiến thời kỳ 2021 – 2030 cả nước sẽ có 64 địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu DLQG.
Tuy nhiên con số 64 địa điểm chưa nhận được sự đồng thuận từ các địa phương. Tại hội thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 do Tổng cục Du lịch tổ chức tại Hà Nội, một số địa phương tiếp tục đề nghị bổ sung các địa điểm vào danh mục khu DLQG như khu lưu niệm Nguyễn Du (Hà Tĩnh), khu du lịch Đại Lải (Vĩnh Phúc) hay các khu vực Pù Luông, Bến En, Sầm Sơn (Thanh Hóa)...
Dù nhiều địa phương muốn có khu DLQG nhưng theo đánh giá của đơn vị tư vấn, đến nay chưa có những kết quả chứng minh cho vai trò động lực của khu DLQG; và nhiều khu vực đã nằm trong danh mục khu DLQG nhưng cũng chưa mang lại đột phá.
"Các khu vực được công nhận là khu DLQG (7 khu) chủ yếu là những khu vực có tiềm năng, thương hiệu nổi tiếng và đã phát triển từ lâu, thành công của các khu vực này không hẳn đến từ danh hiệu khu DLQG. Nhiều khu vực nằm trong danh mục khu DLQG nhưng cũng không mang lại đột phá. Việc quy hoạch các khu DLQG cũng không thực sự trợ giúp cho việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững. Chưa có được những kết quả chứng minh cho vai trò động lực của khu DLQG" - phía đơn vị tư vấn cho biết.
Theo KTS. Lê Anh Dũng (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia), thời gian qua các khu DLQG chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng vì còn nhiều hạn chế, như về sử dụng đất, thu hút đầu tư hạ tầng và khả năng kết nối về du lịch. "Ví dụ như Cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang là điểm du lịch rất nổi tiếng, tuy nhiên thời gian di chuyển quá dài từ sân bay Nội Bài là trở ngại vô cùng lớn, đặc biệt với khách nước ngoài".
Dù vậy KTS. Lê Anh Dũng vẫn "thông cảm" với các địa phương và cho rằng hiện nay khi hệ thống giao thông quốc gia được nâng cấp, mở rộng với sân bay, đường cao tốc... thì việc hình thành, mở rộng thêm các khu DLQG là thỏa đáng, đáp ứng được kỳ vọng và mong mỏi của nhiều địa phương.
Theo dự thảo Quy hoạch mới, những địa điểm dự kiến bổ sung vào danh mục khu DLQG trải dài trên cả nước, như khu vực cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai), khu vực Yên Tử (Quảng Ninh), khu vực Hải Tiến (Thanh Hóa), khu vực Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; khu vực Lý Sơn (Quảng Ngãi), khu vực Phú Quý (Bình Thuận), khu vực Tràm Chim (Đồng Tháp)...
Để xác định các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu DLQG, đơn vị tư vấn đã xây dựng một hệ thống tiêu chí nhằm "chấm điểm" các địa bàn này. Với thang điểm 100, hệ thống này gồm 6 nhóm tiêu chí và 14 tiêu chuẩn để chấm điểm, lựa chọn trở thành khu du lịch quốc gia. "Tính khả thi" là nhóm tiêu chí chiếm số điểm lớn nhất (36 điểm), trong đó một địa điểm có thể đạt tối đa 10 điểm nếu tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trên địa bàn địa phương đó đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong năm gần nhất. Ngoài ra, nhóm "Tiềm năng và tài nguyên du lịch" chiếm 22 điểm, nhóm "Kết nối hạ tầng quốc gia về giao thông" chiếm 15 điểm. Nhóm tiêu chí "Quỹ đất phát triển" chiếm ít điểm nhất, với 5 điểm./.