Du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử sẽ là định vị thương hiệu du lịch chung toàn Vùng trong thời gian tới. Đây là đánh giá và kỳ vọng của các địa phương tại tại Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 8/8, do UBND tỉnh Quảng Ngãi-Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2021- 2022 phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức.
Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đánh giá kết quả 2 năm hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng Bắc-Trung-Nam. Qua đó, các địa phương tiếp tục triển khai các sáng kiến hợp tác, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững sau đại dịch Covid-19.
Tháng 11/2020, tại tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch. Trong đó, tập trung vào 4 nội dung chính: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch. Qua 2 năm triển khai, dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương hợp tác tích cực, trao đổi thông tin, liên kết khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của Vùng.
Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết đạt khoảng 17,7 triệu lượt, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đến các địa phương này ước đạt 32,9 triệu lượt, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.900 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết sẽ cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường du lịch, hướng đến du lịch xanh; du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử sẽ là định vị thương hiệu du lịch chung toàn Vùng trong thời gian tới.
“Chúng tôi rất mong Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhất là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ có định hướng, giải pháp mạnh mẽ, đột phá để các địa phương vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mình trong liên kết phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19 và xu thế hội nhập phát triển”, ông Trần Hoàng Tuấn nói./.