Từ khi xảy ra dịch covid-19, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang hết sức khó khăn; nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đứng bên bờ phá sản. Trong bối cảnh dịch covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các cấp chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp và người hoạt động du lịch tại địa phương này đang thực hiện nhiều giải pháp để đưa ngành nghề này sớm hoạt động ổn định.
Khu du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang lâm vào cảnh điều hiu do vắng khách. |
Từ cuối tháng 3, khi dịch covid-19 bùng phát, tỉnh Tiền Giang có hơn 340 doanh nghiệp và 64 hộ kinh doanh du lịch ngưng hoạt động. Trong đó, tất cả các điểm kinh doanh du lịch ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè đến thời điểm này đều chưa hoạt động trở lại. Đối với các khu, điểm kinh doanh du lịch tái hoạt động, lượng khách đến tham quan chỉ từ 20-30% so với trước khi xảy ra dịch covid-19. Quý 1 năm nay, lượng du khách đến Tiền Giang giảm 43% so cùng kỳ năm ngoái, doanh thu giảm 50%. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Tiền Giang bị thua lỗ.
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, các ngành chức năng và hơn 70 đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch ngày 21/5, những khó khăn, bất lợi đã được đưa ra để từ đó nhằm tìm giải pháp "cứu vãn” cho ngành du lịch. Đa số các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch kiến nghị nhà nước cần quan tâm miễn, giảm về các loại thuế, phí thuê mặt bằng, tiền đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bến bãi; miễn giảm lãi vay ngân hàng đến khi hết dịch covid-19. Đồng thời, chính quyền địa phương cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ, các gói tín dụng ưu đãi và hỗ trợ cho hàng nghìn nhân viên trực tiếp hoạt động ngành du lịch bị thất nghiệp…
Nhà cổ phục vụ khách du lịch đóng cửa. |
Ông Nguyễn Vũ Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch Tiền Giang cho biết, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện nay đều vắng khách so với trước đây; trong khi đó các đơn vị phải cố gắng giữ lại khoảng 50% số lượng lao động nên hoạt động kém hiệu quả.
“Lượng khách giảm khoảng 70%, do vậy lực lượng lao động các cơ sở dịch vụ kèm theo để phục vụ du lịch, cơ sở vật chất cũng bị dôi dư. Như vậy, để tháo gỡ, UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ mà đặc biệt các gói kích cầu của Chính phủ. Đồng thời vấn đề cho vay vốn, hỗ trợ tiền mặt bằng , hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp” - Ông Nguyễn Vũ Khanh bày tỏ.
Nhiều điểm du lịch sông nước tại Tiền Giang vắng khách. |
Trước những khó khăn đặt ra, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo chính quyền và các ngành chức năng địa phương nhất là Sở Văn hóa- Thể thao du lịch Tiền Giang tham mưu đề xuất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh du lịch tháo gỡ, sớm ổn định hoạt động ngành nghề này. Trước mắt, Sở Văn hóa- Thể thao du lịch đề nghị Công ty Điện lực Tiền Giang hỗ trợ giảm giá điện cho hơn 100 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá du lịch hậu covid-19; tăng cường liên kết vùng, liên kết với Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội ..trong hoạt động du lịch; giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch…
Đặc biệt, trước khi chờ các chính sách, hỗ trợ của nhà nước, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở và hộ kinh doanh du lịch ở tỉnh Tiền Giang đã tự “cứu mình". Đó là việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng thời có chính sách khuyến mãi, giảm giá, phí du lịch xuống từ 30-40%.
Dù vắng khách nhưng các điểm du lịch phải cố gắng "giữ chân" nhân viên phục vụ du lịch. |
Du lịch đi xe ngựa trên cồn Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. |
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, bây giờ ngoài việc hỗ trợ của nhà nước, các cơ quan hữu quan, chúng ta phải tìm cách đầu tư và bổ sung sản phẩm mới. Du lịch bao giờ cũng phải có các yếu tố: đi đâu, xem cái gì, thưởng thức cái gì, mua cái gì, an toàn ra sao? Cho nên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không phải là hạ giá thấp để dẫn đến chất lượng thấp mà cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch tại Tiền Giang hiện nay là cần thiết phải đầu tư thêm, đa dạng hóa sản phẩm. Có như vậy thì mới thu hút du khách đến với Tiền Giang luôn luôn là mới”.
Nếu dịch covid-19 được khống chế tốt và áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp hữu hiệu thì đến quý 4 năm nay, Tiền Giang sẽ tiếp đón khách quốc tế. Đến cuối năm nay, ngành du lịch địa phương sẽ có bước phục hồi thuận lợi hơn. Tiền Giang phấn đấu cả năm nay, sẽ tiếp đón hơn 1,1 triệu khách du lịch, đạt 50% kế hoạch năm./.