Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch đến Cần Thơ giảm hơn 50%, Sóc Trăng giảm gần 27,8%, An Giang giảm gần 70%, các địa phương khác cũng giảm từ 30 – 50%... Để vực dậy ngành du lịch, Hiệp hội du lịch ĐBSCL đang phát động toàn thể hội viên cùng tham gia kích cầu du lịch toàn diện bằng nhiều hình thức, làm sao vừa có đủ lượng khách để hoạt động, vừa đảm bảo an toàn cho du khách.
Du lịch miệt vườn còn mang tính một màu. |
Tuy nhiên, cùng với sự ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh, thời gian qua, lĩnh vực du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của mình. Vậy làm thế nào để tạo nên sự khác biệt, vực dậy ngành du lịch tại khu vực này?
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Việt Nam, năm 2019, lượng du khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt người, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt người; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 30 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 6 ngàn tỷ đồng so với năm 2018. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ.
Khu du lịch Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ. |
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, khiến cho bao ngành nghề rơi vào khủng khoảng, đóng băng, trong đó có du lịch với gần như 100% các cơ sở phải đóng cửa. Đồng thời, dù đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực của các địa phương mấy năm qua, nhưng do còn thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết nên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với các vùng trọng điểm của cả nước.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Du lịch ĐBSCL có sự phát triển nhưng chưa đúng tầm, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Sản phẩm du lịch còn trùng lặp, đơn điệu, không có sự khác biệt, ít có sản phẩm mới, chủ yếu là các sản phẩm du lịch truyền thống, tính hấp dẫn du khách chưa cao. Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Vùng chưa hiệu quả, do thiếu kinh nghiệm về tổ chức xúc tiến du lịch, cũng như thiếu sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch.
Người dân đến tham quan tại Miếu Bà Chúa Xứ - Núi Sam - An Giang năm 2019 |
"Thiếu các chính sách có tính đột phá làm đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của vùng; Việc điều chỉnh quy hoạch du lịch cho phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh ở một số địa phương trong vùng còn chậm, liên kết vùng trong phát triển du lịch còn mang tính hình thức hiệu quả chưa cao", ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Bên cạnh sản phẩm du lịch đơn điệu, ĐBSCL còn đối mặt với khó khăn “nguồn nhân lực du lịch thiếu về số lượng và yếu về chất lượng”. Hầu hết các địa phương có thế mạnh du lịch phát triển mạnh như: Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… nhân lực du lịch, nhất là lực lượng lao động trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, đưa sản phẩm du lịch đến với du khách đều thiếu so với nhu cầu; nhiều du khách còn phiền lòng về cung cách phục vụ, về hiện tượng chèo kéo và bán hàng giá cao khi tham quan các điểm du lịch như: Chợ nổi, Du thuyền trên sông, Vườn cây ăn trái...
Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch ĐBSCL” diễn ra tháng 11 năm ngoái, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng, Vụ kế hoạch, Bộ Công thương cảnh báo: "Vùng ĐBSCL có tỷ suất di cư thuần là cao nhất, nghĩa là đi nhiều nhất trong tất cả các vùng kinh tế và cao hơn vùng có tỷ suất di cư khỏi địa phương gần nhất khoảng độ 3, 4 lần. Tôi xin nêu năm 2016, 2017, 2018 con số là -4,6; -4,0 và -5,8, đây là vùng gọi là nhân lực, tạm gọi là người đến ít hơn người đi, thì tỷ suất này rất là cao và đây là điều cần phải tính".
Ông Nguyễn Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở VH – TT & DL tỉnh Long An cũng cho rằng, nếu không sớm khắc phục, tình trạng thiếu nhân lực ngành du lịch sẽ trở thành một trong những “điểm nghẽn” cản trở phát triển du lịch bền vững ở mỗi địa phương cũng như trong toàn vùng: "Nguồn nhân lực từ thái độ, phong cách thân thiện, họ phải có nghề, để ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch. Nhiều vấn đề đặt ra trong đó yếu tố con người nguồn nhân lực là rất quan trọng, thì ĐBSCL hiện nay chúng ta đang còn số lượng thì được, nhưng chất lượng để qua đào tạo, ứng xử là vấn đề cần phải quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa".
Du khách tham quan chùa Khmer tại Sóc Trăng. |
Hạ tầng giao thông là "phần cứng" đặc biệt quan trọng không thể thiếu cho hoạt động du lịch. Đó là 1 trong 3 điểm yếu để phát triển vùng (giao thông, nguồn nhân lực, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị). Song việc đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay tại ĐBSCL so với mặt bằng chung và nhu cầu phát triển của khu vưc vẫn chưa đáp ứng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 67.500 tỷ đồng, chiếm 12,2% cả nước; 2016 - 2020 là hơn 65.000 tỷ, chiếm 15,5%, đây là con số còn hạn chế, gây tắc nghẽn huyết mạch phát triển du lịch vùng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Viettravel chia sẻ: "Giao thông chúng ta biết tỷ lệ tốc độ cao tốc ở miền Tây là ít nhất trong cả nước, nếu mà tiếp cận lâu như hiện nay thì khách không đủ kiên nhẫn. Nếu sang đường thủy thì cảng biển khoảng 100.000 tấn thì ngành giao thông báo cáo 7 năm sau mới có thì chúng ta vẫn phải chờ đường biển mỏi mòn. Nhìn vào đường sắt thì không bàn vì tuyến đường sắt đến miền Tây là không có. Giờ chỉ còn đường hàng không, chúng ta có 4 sân bay chính, chúng ta phải định hình đâu là cái kết nối lan tỏa, nếu như hướng này không có nữa thì chúng ta khó tiếp cận sản phẩm du lịch tại ĐBSCL và từ đó, du lịch chúng ta cứ nói mãi cũng không phát triển được".
Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long đang đứng trước khó khăn với những thách thức kiềm hãm phát triển là: hạ tầng giao thông, sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Vậy làm cách nào để du lịch ĐBSCL phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là sau khi chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19./.