Hà Giang là tỉnh biên giới cực Bắc của Việt Nam. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em: Mông, Tày, Dao, Việt, Nùng… trong đó người Mông chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh.Từ TP. Hà Giang đi 150 km qua những dãy núi trùng điệp, đèo cao suối sâu, qua Quản Bạ, Yên Minh, du khách đến với Đồng Văn.
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm nay. Cuối TK 19, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã cho xây chợ Đồng Văn bằng đá trong những năm 1920. Chợ vẫn còn gần như nguyên vẹn đến ngày nay.
Hàng tuần, chợ phiên Đồng Văn diễn ra vào chủ nhật. Chợ phiên Đồng Văn trước kia nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn, nay do lượng đồng bào đến giao lưu quá đông nên chợ được mở thêm sang phía đối diện, cách chợ cũ chừng 500 m.
Chợ phiên là nơi gặp gỡ, mua bán, trao đổi các loại hàng hóa, sản vật địa phương, nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc khác nhau trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc.
Vào ngày họp chợ, khu phố cổ Đồng Văn trở nên khác hẳn do sắc mầu sặc sỡ của trang phục các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Lô Lô… tạo nên. Hàng nghìn người đến từ các vùng khác nhau trong huyện. Để xuống chợ, có những gia đình quá xa nên phải đến từ đêm hôm trước, ngủ tại chợ. Có những người phải đi từ 3 giờ sáng để kịp đến chợ.
Chợ họp rất sớm, từ 5 giờ sáng đã khá đông.
Trước kia, khi xe máy còn chưa thông dụng, những người tham gia phiên chợ chủ yếu gùi hàng bằng gùi mây hoặc nhà nào có ngựa thì thồ hàng bằng ngựa xuống chợ.
Các mặt hàng chủ yếu là nông lâm sản, sản vật địa phương, các loại thổ cẩm dệt tay. Khác với các phiên chợ vùng xuôi chỉ đơn thuần là mua bán, chợ còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, và thậm chí điều này còn quan trọng hơn việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Hầu hết các gia đình đi chợ phiên thì cả nhà cùng đi. Phụ nữ đi chợ để mua sắm. Đàn ông đi chợ để uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn. Trẻ con theo bố mẹ đi chơi, được mua quà, ăn kem. Trai gái đến chợ để giao lưu, tìm bạn.
Khu chợ chính chia làm 2 phần riêng biệt. Phía trong là nơi mua, bán các loại hàng hóa, sản vật, và các quán ăn, quán thắng cố.
Phía ngoài là khu chợ gia súc, gia cầm: mua bán trâu, bò, ngựa, lợn, chó, gà, chim….
Các loại gia súc lớn như trâu, bò, ngựa, dê… thì được dắt theo.
Có những lợn nái được 2 người khiêng.
Khách du lịch nước ngoài và từ các miền đất nước ngày càng biết đến Hà Giang nhiều hơn.
Bà Jitka Hertig, người Thụy Sỹ, một nhà tổ chưc tour du lịch cho biết: “Tôi gắn bó nhiều với Việt Nam, ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước, chúng tôi đã đưa khách sang Việt Nam. Nhưng vào thời kỳ đó giao thông chưa được thuận tiện và du khách chưa được phép lên các vùng cao như Hà Giang, Cao Bằng, khu vực biên giới…
Thời điểm này, du lịch được mở rộng, chúng tôi có điều kiện lên thăm Hà Giang, Đồng Văn - nơi có nhiều bà con các dân tộc khác nhau của Việt Nam sinh sống. Được giao lưu với họ, chúng tôi thấy rõ những nét văn hoá đặc trưng riêng của các dân tộc vùng cao nguyên đá cực Bắc này. Chúng tôi thấy đất nước của các bạn rất đẹp, đa dạng về văn hóa với những dân tộc khác nhau. Chúc các bạn cũng như đất nước của các bạn thành công hơn nữa trong việc thu hút du khách nước ngoài”./.Xem video: