Dòng chảy sôi động của cuộc sống hiện đại dường như không chảy qua đây khi 300 năm nay, Shirakawa-go vẫn giữ nguyên được hình dáng nguyên sơ của kiến trúc cũng như lối sinh hoạt và phong tục truyền thống.
Truyền thuyết Ngôi làng “2 bàn tay cầu nguyện”
Cái tên Shirakawa-go có nghĩa là Làng của con sông trắng tọa lạc ở phía bắc vùng Tokai, tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản. Qua cây cầu gỗ, làng Shirakawa-go hiện ra trước mắt với hơn 30 mái nhà có hình dáng đặc trưng như 2 bàn tay úp vào nhau lúc đang cầu nguyện. Ở độ cao 400m so với mực nước biển, hàng năm tuyết bao phủ Shirakawa-go tới 5 tháng. Thậm chí có năm tuyết phủ dầy những con đường mòn quanh làng tới hơn 1m. Bởi thế những cái mái nhà được dựng theo lối gasho-zukuri , dốc đứng để tuyết không thể đóng nặng trên mái nhà.
Mặt trước của ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ, một ngôi nhà ít nhất thì cũng phải có đến 7 cái cửa sổ. Truyền thuyết của vùng Tokai, tỉnh Gifu – nơi ngôi làng tọa lạc kể rằng: Những ô cửa sổ đó là để đón thần mặt trời vì Shirakawa-go nằm trên núi cao rất gần với thần Amaterasu. Trong Kojiki, Amaterasu được miêu tả là vị thần tỏa ra ánh sáng và thường được nói đến như thần mặt trời vì hơi ấm và lòng nhân ái đối với những người thờ phụng bà.
Thời gian như chẳng thể chạm tới
Đặt chân tới ngôi nhà của ông Shigo Oijimi, một ngôi nhà khang trang nhất trong làng, cuộc sống hiện tại bỗng chốc quay lại thời khắc lịch sử cách đây cả trăm năm. Gia đình ông Singo cũng là những người định cư sớm nhất ở làng. Ngôi nhà của ông Shigo có 3 tầng và được trưng bày rất nhiều những dụng cụ làm nông nghiệp truyền thống từ bao đời nay của cả làng. Và cũng hàng trăm năm nay, những người đàn ông trong gia đình ông Shigo luôn giữ thói quen, khi có khách quý đến nhà là phải mặc trang phục Hakama truyền thống của Nhật Bản và phải mời khách đến bên bếp lửa dùng trà. Nhấp môi chén trà xanh, ông Oijimi kể: Gia đình tôi đã ở làng hơn 200 năm nay và đến giờ tôi vẫn quen nấu nước pha trà trên bếp củi, dù việc dùng bếp ga sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Những đồ gia dụng trong nhà ông Shigo đều là của biết bao thế hệ ngày xưa để lại, vào những ngày lễ, gia đình ông đều dùng những cái bếp, cái nồi cũ để nấu các món ăn truyền thống. Cũng như nhiều gia đình khác ở làng, ông Shigo nuôi cá ở ao nhà, trồng lúa bao quanh ngôi nhà của mình để tự cung tự cấp phần nào lương thực cho gia đình. “Gạo làm ra cũng không được nhiều do vùng này lạnh quá và ruộng thì cũng không còn nhiều. Giờ người làng cũng già rồi, lứa thanh niên thì ra phố hết, làng chỉ còn toàn người già ở lại trồng trọt và chăm sóc nhà cửa”. Ông Shigo ngậm ngùi.
Shirakawa-go được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Nước Nhật đưa ngôi làng này vào danh mục những di sản cần bảo vệ đặc biệt. Hàng năm có khoảng gần 2 triệu du khách đến đây nhưng với sự bảo vệ của chính quyền, Shirakawa-go không bị khai thác theo hướng du lịch hóa, bản chất cuộc sống của ngôi làng và người dân nơi đây vẫn như thuở ban đầu. Tuy nhiên, một thực trạng chung của những ngôi làng cổ ở Nhật Bản là sự “chết dần” do không có thế hệ trẻ kế cận gìn giữ nếp sống.
Đây cũng là nỗi buồn của ông Shigo khi những người con của ông lần lượt rời làng. Hàng trăm năm nay, người dân làng Shirakawa-go vẫn luôn tâm niệm: đã là người dân của làng thì phải gánh trách nhiệm lưu giữ bảo tồn kiến trúc cũng như những phong tục truyền thống của làng. Vòng quay cuộc sống đã kéo nhiều người con của làng ra khỏi cái nôi văn hoá này. Hàng ngày, ông Shigo vẫn đứng bên cái bậu cửa 200 năm, đã chứng kiến vô vàn bước đi của nhiều thế hệ trong gia đình ông. Không giấu diếm hy vọng, ông mong một ngày những đứa con mình sẽ trở về để viết tiếp những truyền thuyết về làng Shirakawa-go, cũng như viết tiếp câu chuyện văn hoá truyền thống hơn 200 năm của dòng họ Shigo./.