Sáng nay (20/4), Hội thảo “Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng bứt phá” do báo Tiền Phong và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Flamigo, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải).
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận về những lợi thế vốn có để tìm ra giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch thành phố Hải Phòng nói chung, thị trấn Cát Bà nói riêng. Qua đó, góp phần với cơ quan chức năng địa phương có những bước phát triển đột phát, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại thành phố Hải Phòng.
Điểm nhấn du lịch Hải Phòng
Thành phố Hải Phòng được biết đến là thành phố cảng lâu đời, với các điểm du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà. Trong đó, quần đảo Cát Bà hội tụ 5 danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Hiếm có nơi nào ở Việt Nam có một quần thể đảo và hang động trên biển hoang sơ tuyệt đẹp như Cát Bà. Những dãy núi đá vôi tại Cát Bà hình thành những đường bờ biển khúc khuỷu, tạo nên những bãi tắm lớn nhỏ với bãi cát trắng mịn màng và làn nước trong xanh. Đến thăm nơi này, du khách sẽ thỏa sức thưởng ngoạn cảnh đẹp và thỏa sức nghỉ ngơi tại những bãi tắm tuyệt đẹp như bãi Cát Cò 1, 2 và 3, bãi Cát Dừa, bãi Tùng Thu…
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Là đầu mối giao thông quan trọng, là một trong những trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Bắc và của cả nước; là vùng đất lâu đời với nhiều truyền thống văn hoá, lịch sử, lễ hội quan trọng cũng như tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn liền với biển và tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, mang đậm bản sắc và vùng đất con người Hải Phòng.
Trong những năm qua, du lịch Hải Phòng đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như nguồn nhân lực du lịch. Trước thời điểm dịch bệnh, Hải Phòng đã phục vụ đón tiếp hơn 9 triệu lượt khách du lịch (2019).
Bà Nguyễn Thị Phương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, hiện nay, ngành Du lịch đang nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch là con đường tất yếu của Hải Phòng trong tương lai và cũng là con đường để xây dựng thành phố quốc tế, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, theo bà Huyền, so với lợi thế về tiềm năng và yêu cầu đặt ra đối với mục tiêu phát triển, du lịch Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế so với các trung tâm du lịch lớn của cả nước.
“Hải Phòng chưa có cơ chế, chính sách trực tiếp để thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch. Đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thiếu hụt nguồn lực đầu tư, tạo đột phá cho du lịch Hải Phòng. Hải Phòng cũng chưa có khu vui chơi giải trí cao cấp có khả năng thu hút và hấp dẫn khách du lịch. Sự thiếu hụt này là nguyên nhân cơ bản làm giảm tính hấp dẫn, thu hút của du lịch Hải Phòng trong lợi thế so sánh với các địa phương có cùng tiềm năng nhưng được đầu tư chiều sâu, có những sản phẩm đặc thù, được khẳng định về thương hiệu”, bà Huyền nói.
Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cũng chỉ ra hạn chế tiếp theo của du lịch Hải Phòng là công tác đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch chưa được giải quyết đồng bộ, nhất là về giao thông, điện, nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Hệ thống bến đón, trả khách chưa được quan tâm đầu tư, chưa bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch; thành phố chưa có bến tàu chuyên dụng phục vụ du khách, đủ sức tiếp nhận du thuyền hay những tàu có trọng tải lớn. - Nguồn nhân lực qua đào tạo thông thạo ngoại ngữ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách nước ngoài.
Đưa du lịch Hải Phòng cất cánh bằng sản phẩm cao cấp
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Flamingo Holding Group khẳng định, du lịch là một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù dịch COVID-19 đã khiến cho ngành công nghiệp không khói gần như đứng yên và bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt 2 năm qua nhưng Du lịch vẫn được đánh giá là một ngành có khả năng phục hồi nhanh, mạnh do nhu cầu rất lớn.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo du lịch sẽ sớm lấy được đà tăng trưởng và có thể tạo thêm 58 triệu việc làm vào năm 2022, mang lại 8,6 nghìn tỷ USD doanh thu.
Ông Hoan cho rằng: “Trong đà phục hồi đó, dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành nhu cầu thường xuyên, liên tục của khách hàng. Xu hướng này là tất yếu, bởi lẽ, cùng với tốc độ phát triển về kinh tế là chất lượng cuộc sống được nâng cao, nhu cầu du lịch không chỉ dừng lại ở việc thăm quan, khám phá, trải nghiệm mà còn là yêu cầu nghỉ ngơi, thư giãn về thể chất và tinh thần nhằm giảm tải áp lực cuộc sống, tái tạo năng lượng. Mặt khác, dịch bệnh suốt 2 năm càng khiến người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ, chăm sóc bản thân, hưởng thụ cuộc sống. Trong các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghỉ dưỡng biển luôn là sản phẩm được ưa chuộng nhất và chúng tôi nhận thấy, Hải Phòng là địa phương có nhiều tiềm năng, nhiều thế mạnh để phát triển dòng sản phẩm này”.
Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Sun World, Tập đoàn Sun Group chỉ ra thực trạng du lịch Cát Bà, Hải Phòng rằng đã từ lâu, lịch trình tour của du khách vẫn chỉ quanh quẩn tắm biển, đi thuyền thăm vịnh Lan Hạ, chèo kayak, tham quan Pháo đài Thần Công, câu mực đêm… Một số hoạt động khác như leo núi, khám phá rừng Quốc gia Cát Bà… chỉ dành cho thanh niên hay các phượt thủ. Hoạt động về đêm vẫn còn khá thô mộc, chỉ là dạo chợ đêm hoặc đạp xe quanh thị trấn...
“Nhìn tổng quan, hoạt động vui chơi, giải trí tại “đảo ngọc” của miền Bắc cả ngày và đêm vẫn còn rất hạn chế và thiếu hấp dẫn, ít lựa chọn cho du khách. Trong khi đó, các điểm đến khắp cả nước đều đang đồng loạt bứt phá, đặc biệt là sau COVID-19, khi nhu cầu du lịch của du khách cũng đã thay đổi. Các dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng được nhiều điểm đến đầu tư với quy mô và nhiều loại hình giải trí mới hấp dẫn, hứa hẹn đem đến nguồn khách bốn mùa, khai thác tối đa các giá trị thiên nhiên và làm đẹp, làm giàu thêm cho vùng đất”, bà Nguyện nói.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cũng cho rằng, Hải Phòng cần chú trọng du lịch cao cấp du lịch. Hải Phòng cần ưu tiên tập trung vào lấy khách hàng làm trung tâm, sản phẩm cao cấp, cơ chế chính sách thuận lợi để phát triển du lịch, định vị thương hiệu, ứng dụng số quản lý và quảng bá du lịch ngắm tới khách hạng sang quốc nội và quốc tế có khả năng chi trả cao, ở lâu hơn. Từ đó, định vị điểm đến Hải Phòng cao cấp, khai thác mỏ vàng di sản văn hóa và thiên nhiên, nghỉ dưỡng biển đảo, sản phẩm chủ đề như golf, du thuyển và ẩm thực.
“Những năm gần đây Golf đang nổi lên là xu hướng du lịch ngày càng hút khách. Với hệ thống sân golf hiện đại được đầu tư ở Hải Phòng, địa phương hoàn toàn có thể nghiên cứu, tập trung phát triển du lịch gắn với thể thao golf”, ông Hà khẳng định.
CEO Lux Group nói thêm: “Sản phẩm du lịch cao cấp ở Hải Phòng bên cạnh nghỉ dưỡng biển, du thuyền cao cấp còn cần chú ý tới trải nghiệm “lên rừng xuống biển”, thể thao mạo hiểm, chăm sóc sức khỏe bằng nguồn khoáng nóng. Vườn Quốc gia Cát Bà sẵn có nguồn tài nguyên rừng, bảo tồn sinh vật biển tạo nên nguyên liệu cho các sản phẩm du lịch mới và trải nghiệm khác biệt. Bên cạnh đó, kiến trúc thuộc địa cũng là di sản Hải Phòng có thể khai thác để du khách lưu lại Hải Phòng lâu hơn, nhiều trải nghiệm thú vị”.
Ông Hà cho rằng, muốn vậy phải có chất lượng nguồn nhân lực tốt, có năng lực, thái độ, kỹ năng và giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Học đi đôi với hành. Sản phẩm cao cấp và định vị mới, như Hải Phòng vui hơn, ăn ngon hơn sẽ giúp khác biệt độc đáo so với Quảng Ninh và các địa phương phía Bắc. Điều này sẽ thu hút khách trong và ngoài nước đến vì di sản rừng vàng biển bạc, thiên đường biển đảo Hải Phòng, đến dễ dàng, ăn ngon và chơi vui hơn. Cần định vị thương hiệu du lịch Hải Phòng trong mắt khách hàng mục tiêu./.