tym_3061vov__1__vjlw.jpg
Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Thành cổ Sơn Tây tọa lạc tại trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) với phần tường thành được làm bằng đá ong đặc trưng của xứ Đoài.
Với nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các hạng mục như cổng thành, kỳ đài, đoan môn, vọng cung..., sau gần 200 năm, bị nhiều cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, giờ đây Thành cổ chỉ còn lại một phần tường thành, cửa tiền, cửa hậu được bao phủ bởi rêu phong và rễ của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi; hai khẩu thần công và một số phế tích như Vọng lâu, nền điện Kính Thiên... 
Thành cổ Sơn Tây từng là thủ phủ của vùng đất Tam Tuyên mênh mông (gồm ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) dưới thời nhà Nguyễn.
Và cũng là một pháo đài oanh liệt của quan quân nhà Nguyễn trong kháng chiến chống Pháp hồi cuối thế kỷ 19. Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin nước ta chính thức công nhận Thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia.
Ngày nay, khi đến với mảnh đất Sơn Tây, bên cạnh những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Mía…, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành địa chỉ thú vị cho những người yêu thích khám phá lịch sử, là điểm tham quan hấp dẫn cho các gia đình vào mỗi dịp cuối tuần bởi sự rêu phong, cổ kính và không gian bình yên nơi đây. 
Năm tháng cứ trôi qua nhưng thời gian không thể xóa được dấu tích lịch sử.
Thành cổ vẫn còn đó dù không còn trọn vẹn nhưng vẫn oai phong, cổ kính, thể hiện uy thế một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. 
Hơn thế, đó còn là một di sản văn hóa quý báu để con cháu ngàn đời sau trân quý, gìn giữ.