Thảo luận về Dự án Luật Du lịch sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc (ĐBQH) hội lo lắng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi Cộng đồng ASEAN chính thức đi vào hoạt động, nhân lực du lịchcủa Việt Nam có thể mất việc ngay trên sân nhà.

huong_dan_vien_du_lich_zjbt.jpg
Đội ngũ hướng dẫn viên vẫn còn "mỏng" so với nhu cầu thực tế (Ảnh minh họa)

Nhân lực phải là yếu tố quan trọng hàng đầu

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, việc thành công của một doanh nghiệp du lịch hay một quốc gia muốn phát triển du lịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố con người, nguồn du lịch cũng đòi hỏi công tác đào tạo, du lịch phải được quan tâm hàng đầu.

Theo thống kê thì năm 2016, Việt Nam cần đến 660.000 lao động du lịch, đến năm 2020 cần tới xấp xỉ 900.000 lao động du lịch qua đào tạo. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp vẫn chưa đủ nguồn năng lực để đào tạo về du lịch, đại biểu Quỳnh Thơ nêu thực tế.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ

Theo đại biểu này, điểm yếu của du lịch Việt Nam hiện nay là chất lượng nguồn du lịch, số lượng vẫn còn thiếu hụt. Việc quản lý, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch, trong đó việc quy hoạch nguồn nhân lực đề ra chính sách quy chuẩn chương trình, tạo điều kiện đào tạo và sử dụng nhân lực du lịch hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Chia sẻ nội dung này, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định, muốn thúc đẩy ngành du lịch, cần phải đầu tư cho con người, trong đó tập trung nâng cao trình độ, năng lực thông qua đào tạo, đánh giá chất lượng để đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) nhấn mạnh: Thực trạng hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam hiện nay nhìn chung vừa thiếu, vừa yếu và công tác quản lý còn nhiều bật cập, thiếu. Yếu là ở vốn kiến thức, trình độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống đặc biệt là khả năng ngoại ngữ nhất là các ngoại ngữ hiếm.

Đại biểu Triệu Thanh Dung

Theo đại biểu Dung, một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là do công tác đào tạo hướng dẫn viên chưa chuyên nghiệp, chưa thống nhất. Phần lớn các cơ sở đào tạo có chuyên ngành hướng dẫn là các trường trung cấp, đại học được mở mã ngành Việt Nam học hoặc ngành quản trị dịch vụ du lịch lữ hành nên việc đào tạo cũng như giảng dạy chưa được chuẩn hóa.

Cần thi sát hạch

Theo đại biểu đoàn Cao Bằng, tình trạng hướng dẫn viên chui xuất hiện nhiều tại điểm du lịch nổi tiếng. Cá biệt có những hướng dẫn viên du lịch chui là người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, sử dụng đồng tiền nước ngoài và xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam như trường hợp ở thành phố Đà Nẵng vừa qua.

Đại biểu Triệu Thanh Dung kiến nghị, cần bổ sung quy định, tổ chức thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng nhân lực xin cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch, tạo điều kiện cho người có nhu cầu tự học và hành nghề.

Hiến kế nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực ngành du lịch, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) lưu ý: Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, đặc biệt kể từ khi cộng đồng ASEAN chính thức đi vào vận hành, bên cạnh hàng hóa, dịch vụ thì lực lượng lao động có chất lượng cao, có ngoại ngữ tốt sẽ tràn vào Việt Nam và nhân lực du lịch trong nước có thể mất việc ngay trên sân nhà.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai

Chính vì vậy, đại biểu Mai đề nghị, cần thiết kế những quy định và yêu cầu riêng cần có về nhân lực du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng.

Phải có thanh tra chuyên ngành du lịch

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) phát biểu: Quản lý du lịch mà không có quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch thì sẽ không có cơ sở để quy trách nhiệm, không thể kiểm soát chặt chẽ được các sự cố, tai nạn du lịch, các vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách du lịch của các cơ sở kinh doanh du lịch...

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương

Bà Hương cho rằng, công tác quản lý phải gắn liền với lực lượng thanh tra mới đảm bảo được chất lượng môi trường du lịch. Do vậy, việc bổ sung quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch vào dự thảo luật là rất cần thiết.

Có chung ý kiến này, đại biểu Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) cho biết, trừ  Hà Nội và TP HCM, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, chỉ có Phòng  nghiệp vụ du lịch và Phòng thanh tra chung, chứ không có thanh tra chuyên ngành về du lịch riêng.

Nhấn mạnh về việc 70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không quay trở lại vì nỗi lo sợ liên quan đến các vấn đề về an ninh trật tự, giao thông, chất lượng dịch vụ và vệ sinh môi trường, đại biểu Loan cho rằng, việc cân nhắc thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành du lịch ở những vùng trọng điểm du lịch trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết./.

Theo thống kê cả nước chỉ có 9.500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế phục vụ cho 8 triệu lượt khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam và 6 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch trong một năm.

Chỉ có 7.150 hướng dẫn viên du lịch nội địa phục vụ cho hơn 45 triệu lượt khách du lịch trong một năm.

Ước tính để phục vụ lượng khách trên cần tối thiểu 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa./.