Địa điểm mới phát hiện đá khắc cổ nằm trong rừng phòng hộ, thuộc thôn Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), cách trụ sở UBND xã khoảng 4 km đường chim bay về hướng Đông.
Vị trí có khối đá khắc cổ cũng có khá nhiều các khối đá sa thạch thể khối lớn từ 1 đến 20 mét khối, nằm cách nhau từ 7 m đến 80 m. Khối đá khắc cổ mới phát hiện chiều dài hơn 2 m, chiều rộng khoảng 2 m; có mặt phẳng hơi lồi, trên bề mặt khắc phủ kín các loại hình: hình tròn lõm (7 hình), hình thoi lõm (1 hình), hình tròn lồi đồng tâm lớn (1 hình) và hình ruộng bậc thang "tầng tầng lớp lớp" trang trí xung quanh rìa của khối đá tạo nên một "tác phẩm” kỳ lạ, độc đáo.
Sơ bộ cho thấy, các đề tài hình khắc khá tỉ mỉ, kì công, uốn lượn mềm mại theo mặt lồi lõm của mặt đá, có dạng hình ruộng bậc thang, là thể loại đề tài chính trên khối đá này, giống như đã từng phát hiện được ở xã Lao Chải các năm 2015, 2020 và năm 2021.
Ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, nhìn chung, so sánh đề tài khắc họa trên đá nổi bật duy nhất vẫn là đề tài ruộng bậc thang.
Tuy nhiên, điểm khác biệt ở khối đá khắc cổ tại xã Chế Cu Nha là có trạm hình tròn đồng tâm lồi, nổi như mặt trống và hình thoi lõm, đây là hình họa khác so với 14 khối đá phát hiện từ trước đó trên địa bàn xã Lao Chải. Dưới góc độ dân tộc học, đây có thể là các vết khắc của người Mông bản địa, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVI - XVII, có thể vẫn là các bản "thiết kế ruộng bậc thang” hoặc họa lại ruộng bậc thang.
Từ thực tế so sánh, các bức họa khắc trên đá rất giống hình ruộng bậc thang mà đồng bào Mông đang canh tác và từng bước mở rộng hiện nay. Để chính xác những bản thông điệp trên đá, rất cần các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, giải mã làm rõ cả niên đại và cả về lĩnh vực dân tộc học cho bãi đá khắc cổ trên địa bàn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái./.