Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 4 tháng mở cửa hoạt động du lịch, từ 15/3 năm nay, khách du lịch nội địa đã vượt mức chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022, du lịch quốc tế từng bước được phục hồi. Doanh nghiệp lữ hành đã trở lại hoạt động; trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường; các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới…
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương xứng. Tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam chưa tạo thuận lợi bằng những quốc gia khác. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp, quảng bá du lịch quốc tế đang ở mức độ rất hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Hùng nói: "Hiện nay chúng ta đã làm nhưng thiếu cơ sở pháp lý, đó là liên kết vùng, trong khi thể chế chính trị của chúng ta không có vùng. Liên kết ở đây thực chất là liên kết của các doanh nghiệp. Cũng là du lịch lịch sinh thái, ở đâu cũng có một bản làm du lịch, ở đâu cũng có một vài tiếng hát giống nhau, rồi cũng có thổ cẩm đem bán... thì như thế đâu có đặc trưng riêng. Như vậy thay vì điểm này làm ở Hòa Bình, điểm khác ở tỉnh khác phải có mô hình mới. Thực tiễn đặt ra chúng ta cần có tư lệnh của lĩnh vực này, có cơ chế để vận hành điều tiết".
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng rất cần tháo gỡ các vướng mắc về mặt thể chế liên quan đến các quy định xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú để thuận lợi hơn cho du khách quốc tế; lập cơ quan đại diện du lịch ở một số thị trường có tiềm năng lớn; cơ chế liên kết vùng về du lịch; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã ghi trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030…
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để du lịch phục hồi bền vững sau dịch bệnh COVID-19, bên cạnh du lịch nội địa cần có các biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng khách quốc tế nhằm tiếp tục giữ và nâng chất lượng dịch vụ du lịch, đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác. Đặc biệt thời gian tới cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch.
Tại cuộc họp, đề cập tới kiến nghị về chính sách tính giá điện cho dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng trước khi quyết định về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch phải chủ động nghiên cứu, đề xuất cụ thể về chính sách ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất… cho các cơ sở dịch vụ du lịch./.