Bước đi này nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch y tế tại Ấn Độ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.
Theo Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, nước này có lợi thế là cơ sở hạ tầng y tế và đội ngũ y bác sỹ có kinh nghiệm, tay nghề. Ngoài ra, Ấn Độ còn được coi là nơi sản xuất thuốc lớn nhất thế giới, với khả năng cung cấp các loại vaccine cho thế giới. Do đó, nước này đang nổi lên là điểm đến cho phân khúc du lịch kết hợp chữa bệnh. Chính phủ Ấn Độ tự tin việc triển khai thị thực (visa) chữa bệnh, cũng như khởi động lại visa du lịch điện tử và nối lại các đường bay quốc tế sẽ giúp thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển.
Trong vòng 1 thập kỷ qua, du lịch kết hợp chữa bệnh ngày càng phát triển tại Ấn Độ. Nước này đứng vị trí thứ 5 trong số 41 điểm đến trên thế giới xét trên khía cạnh này. Du lịch chữa bệnh tại Ấn Độ tăng trưởng 22 - 25% và được dự báo đạt doanh thu khoảng 9 tỷ USD vào năm 2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chi phí y tế tại Ấn Độ được cho là chỉ bằng 1/5 đến 1/10 con số tại các nước khác. Nếu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đạt được tiến độ đề ra, Ấn Độ có thể sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh này và mở cửa trở lại ngành du lịch./.