Bánh Cáy làng Nguyễn không hẳn là quá xa lạ với nhiều người. Đây là một loại bánh đặc sản có nguồn gốc ở làng Nguyễn của tỉnh Thái Bình. Tên gọi của Bánh cáy bắt nguồn từ chính hạt nếp vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô, có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh Cáy.
Bánh có nguyên liệu chính là gạo nếp (nếp cái hoa vàng) và nhiều nguyên liệu đi kèm khác. Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi, cắn miếng bánh thấy lạ miệng khi trong đó có mứt bí, gừng tươi cay nồng. Sự kết hợp các loại nguyên liệu này tạo nên một hương vị đặc trưng của vùng đất Thái Bình.
Bánh Cáy làng Nguyễn qua thời gian đã góp phần trở thành một đặc sản, một biểu tượng văn hóa ẩm thực của quê lúa Thái Bình. Chỉ đơn giản là từ vật phẩm của đồng quê, nhưng bánh Cáy làng Nguyễn lại có sức hút kỳ lạ. Đến nỗi, khi nhớ về quê hương, nhiều người con xa quê vẫn chép miệng, thèm được cắn một miếng bánh Cáy, nhâm nhi cùng bình trà nóng.
Hiện nay, ở xã Nguyên Xá có hàng trăm hộ sản xuất bánh Cáy, mỗi một hộ gia đình mang một phong cách và đặc trưng riêng, dù đều cùng học theo một tổ nghề. Ngày nay xã hội phát triển, thị trường có rất nhiều loại bánh ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng khiến nghề làm bánh Cáy đôi lúc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên để đáp ứng kịp thị hiếu người tiêu dùng, nhiều cơ sở làm bánh Cáy đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp cơ sở làm bánh.
Dù sản xuất không kịp bán nhưng các chủ cơ sở làm bánh ở đây không chạy theo số lượng mà luôn đặt chất lượng bánh lên hàng đầu, từ việc chú ý pha chế nguyên liệu sao cho bánh ngon đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở từng công đoạn. Để sản xuất ra những chiếc bánh ngon lại thuộc về tâm huyết của những người thợ đã bao đời nay gắn bó với món ăn cổ truyền của quê hương./.