Chùa Keo
Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang Tự, là một trong những ngôi chùa của Việt Nam còn giữ lại được nguyên vẹn nét kiến trúc xưa có kiến trúc cổ gần 400 năm, một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam. Chùa xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000 m2. Chùa Keo ngoài thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh).
Chùa có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá….Chùa được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “Nội công ngoại quốc.”
Công trình kiến trúc nổi tiếng gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tầng một treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796.
Năm 2017, lễ hội chùa Keo (Thái Bình) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hàng năm chùa Keo mở hội hai lần.
Hội xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cộng đồng như Nghi thức khai chỉ mở cửa đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.
Hội thu từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Chín âm lịch mang đậm tính chất hội lịch sử, tái hiện lại cuộc đời của Quốc sư Dương Không Lộ.
Biển Đồng Châu
Cách thành phố Thái Bình khoảng 35 km, đi theo tỉnh lộ Kiến Xương đi Tiền Hải là đến bãi biển Đồng Châu nằm trên địa phận xã Đông Minh huyện Tiền Hải. Biển Đồng Châu không có bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh nhưng nơi đây lại sở hữu khí hậu cực kì trong lành, thích hợp cho việc dưỡng bệnh, nghỉ ngơi và đặc biệt, hải sản ở đây rất rẻ và ngon. Do cát có bùn nên bãi biển rất thích hợp với việc nuôi trồng hải sản. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng vạng (ngao) với vô vàn chòi canh, góp phần không nhỏ tạo nên sự đặc biệt cho Đồng Châu.
Khoảng thời gian khám phá vùng biển Đồng Châu đẹp nhất là khoảng tháng 7, tháng 8. Bởi lúc này là thời điểm nắng nóng, ít mưa, rất thích hợp cho việc bơi lội, vui chơi dưới biển. Bãi biển Đồng Châu lại mang rất nhiều nét đẹp hoang sơ, tạo nên sự ấn tượng, độc đáo cho du khách tới đây.
Khu du lịch sinh thái Cồn Vành
Cồn Vành nằm trong Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận từ năm 1994 và là một trong các điểm đến duy nhất ở Việt Nam giữ được hệ sinh thái cũng như bãi biển nguyên sơ, thu hút những người ưa thích khám phá. Cồn vành thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, hiện là điểm đến ưa thích của những du khách thích khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, làng chài với những người dân miền biển hiền hòa, hiếu khách. Sáng sớm, khi bình minh lên, trên bãi biển Cồn Vành từng đoàn tàu thuyền đánh bắt cá cập bờ, du khách có thể ghé vào một ghe thuyền mua hải sản còn tươi nguyên như cua, tôm, bề bề, ngao, sứa… Thú vị hơn du khách có thể ghé vào các lều quán hoang sơ cạnh đó nhờ người dân chế biến hải sản và thưởng thức ngay tại chỗ.
Khu du lịch sinh thái Cồn Đen
Cồn Đen là tên của một khu du lịch sinh thái khá nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, nằm tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, cách trung tâm thị trấn Diêm Điền khoảng 15 km về phía Nam. Cùng với Cồn Vành, Cồn Đen cũng là một trong hai địa danh đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Sông Hồng vào năm 2004.
Đến với khu du lịch sinh thái Cồn Đen, bạn sẽ được đi dạo dưới hàng thông xanh ngát, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặt vô cùng độc đáo và hít thở bầu không khí trong lành. Đặc biệt, nơi đây hiện đang sở hữu chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời
Làng nghề Đồng Xâm
Đồng Xâm là một làng nghề chạm bạc lâu đời và cũng được xem là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Bình bạn không nên bỏ lỡ. Trước đây, làng có tên gọi khác là Đường Thâm, nằm tại địa phận xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nghề chạm bạc tại làng Đồng Xâm đã có từ cách đây hơn 400 năm.
Hiện nay, thế mạnh của Đồng Xâm xoay quanh ba dòng sản phẩm chính: đồ trang sức, mỹ nghệ và đồ thờ cúng. Đồ trang sức gồm nhiều loại như: dây chuyền, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, thánh giá… bằng bạc. Đặc biệt, mặt hàng được khách hàng ưa chuộng và đông hộ gia đình làm nhất là đồ thờ cúng, từ các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai…
Hàng chạm bạc Ðồng Xâm nổi bật hơn so với hàng bạc của các nơi khác về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện và hoàn hảo tới mức tối đa, cũng chính vì thế mà đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng khó tính.
Nếu có dịp về Thái Bình, du khách không chỉ được ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay, thưởng thức đặc sản bánh cáy, kẹo lạc ngọt bùi mà còn có thể thăm quan làng nghề Đồng Xâm, tận mắt tìm hiểu quá trình chạm khắc ra sản phẩm và mua một món quà làm kỷ niệm./.