Làn sóng vỡ nợ vốn xuất hiện ở Đắk Lắk, Đắc Nông vài năm trước, nay lại bắt đầu quay lại ở Gia Lai và Kon Tum. Nguy hiểm ở chỗ, ngoài hàng nghìn người đang khốn đốn vì vỡ nợ, thì còn rất nhiều người đang chờ đến lượt mình.
Điểm lại các vụ vỡ nợ đình đám mới nhất ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, số tiền thiệt hại đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Và nếu trước đây các vụ vỡ nợ chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản thì nay đã cuốn theo nhiều loại hình kinh doanh khác như nhà hàng, khách sạn, thậm chí có cả những cán bộ ngành ngân hàng…
Nhiều người vẫn chầu trực trước cửa nhà chủ nợ để mong lấy lại những gì đã mất |
Nhưng điểm chung dễ dàng nhận thấy là các đối tượng chủ chốt trong các đường dây vỡ nợ luôn có được uy tín. Uy tín ấy có thể là địa vị xã hội, là lời đồn về thành đạt trong kinh doanh, là tài sản bề nổi. Uy tín cùng với lãi suất rất hấp dẫn, khiến người dân khó có thể chối từ, khi các đối tượng này huy động vốn.
Bà Phạm Thị Nhiệm, ở xã Ia Đrăng, một nạn nhân vỡ nợ tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Tin tưởng bạn bè giờ mới xảy ra như thế này. Từ này về sau chắc chúng tôi cũng không dám làm chuyện này nữa, dù lãi cao hay lãi thấp”.
Không chỉ thu hút người dân, lợi nhuận từ tín dụng đen còn hấp dẫn mạnh những người trong nghề, hình thành những dây chuyền đa cấp. Chủ nợ cấp một vay mượn của một vài chủ nợ cấp hai, mỗi chủ nợ cấp hai lại vay mượn của một vài chủ nợ cấp ba…
Hiện trường còn lại của một vụ xiết nợ |
Bằng cách này, một người có uy tín về tín dụng trực tiếp huy động vốn của vài người hay vài chục người thì sẽ gián tiếp huy động được hàng trăm, thậm chí đến hàng nghìn người. Người cho vay dễ bị sa vào hội chứng đám đông. Một người dám cho vay sẽ có hai người, rồi bốn người và đám đông cứ tăng lên nhanh chóng.
Các nguyên tắc an toàn hầu như bị bỏ quên. Đây là nguyên nhân cốt lõi làm mức độ và qui mô của mỗi vụ vỡ nợ tăng lên nhanh chóng và tạo nên sự khác biệt cơ bản so với các vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp, đại lý cà phê ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắc Nông mấy năm trước.
Việc cho vay mượn đã tạo thành dây chuyền đa cấp, cho nên khi một mắt xích trong dây chuyền đổ bể sẽ kéo theo hàng loạt mắt xích đổ theo.
Điển hình là vụ vỡ nợ mới đây của bà Trần Thị Liễu, nhân viên Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum. Vụ vỡ nợ này khiến rất nhiều mắt xích dưới bà Liễu đang khốn đốn. Như ông Trần Kim Đính (ở thành phố Kon Tum) đi gom tiền của hàng trăm người, rồi cho bà Liễu vay hơn 23 tỷ đồng, nay đã phải gán toàn bộ tài sản để trả cho các chủ nợ khác. Trong khi đó, bà Liễu lại vỡ nợ bởi mắt xích cao hơn, là bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (cán bộ Cục thuế tỉnh Kon Tum) hiện đã không còn ở nơi cư trú.
Còn tại một vụ vỡ nợ mới hơn, của Nhà hàng Đại phúc, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, bà Đặng Thị Hường, chủ nhà hàng cũng tự cho mình là nạn nhân của vỡ nợ dây chuyền.
Dù hệ lụy của các vụ vỡ nợ dây chuyền đa cấp từ Chư Sê, Chư Prông của tỉnh Gia Lai cho đến thành phố Kon Tum của tỉnh Kon Tum là rất lớn, gây bất ổn xã hội trên diện rộng nhưng không thể xử lý rốt ráo, bởi quan hệ giữa người dân và các đối tượng huy động vốn, được xác định là “tự nguyện”. Đây cũng chính là lý do vì sao, đã 4 năm kể từ làn sóng vỡ nợ ở Đắk Lắk, Đắk Nông, chưa một phiên tòa nào được mở ra mà giúp đòi được nợ cho nông dân.
Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk – tỉnh có số doanh nghiệp, đại lý nông sản vỡ nợ nhiều nhất thừa nhận rằng, có rất ít hy vọng cho nông dân trong những trường hợp này: “Về mặt pháp lý thì đây là quan hệ tự nguyện, không có gì ràng buộc hết. Vì vậy, khi xảy ra hậu quả thì cũng khó áp dụng các quy định, chế tài của pháp luật để giải quyết quan hệ này” – ông Khiết nói.
Với cách thức huy động dòng tiền theo dây chuyền đa cấp, với sự ham lợi mất cảnh giác của người dân và với những lỗ hổng pháp lý như hiện nay, khả năng gia tăng mức độ và số vụ vỡ nợ đa cấp vì tín dụng đen trong thời gian tới ở Tây Nguyên được tiên liệu là sẽ còn tiếp diễn./.