Ông Hoàng Minh Luyện - tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 17h chiều nay, các tàu thuyền của tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã vào bờ và tìm nơi trú ẩn an toàn. Hiện có hơn 100 phương tiện đánh bắt gần bờ đã liên lạc và đang vào bờ, 9 phương tiện đánh bắt xa bờ đã liên lạc thường xuyên được và đang vào nơi trú ẩn. Hiện Thanh Hóa có 6.067 phương tiện đánh bắt trên biển.

Ông Luyện cũng cho biết thêm, đến 16h chiều nay (22/6), các đơn vị có tàu thuyền đã được thông báo đến tận người dân không được ra biển.

anh%20bao%20thanh%20hoa%20copy.jpg
Bè mảng của ngư dân ven biển được đưa lên cao hơn (ảnh: Nguyễn Hải)

Đồn biên phòng các địa phương đã triển khai và sẵn sàng công tác phòng chống lụt, bão. Đối với các huyện ven biển, đồn biên phòng các huyện chuẩn bị lương thực, thuốc chữa bệnh và cử cán bộ xuống các bến neo đậu hướng dẫn, giúp neo giữ tàu thuyền cùng ngư dân. Các đồn biên phòng thuộc các huyện vùng núi chuẩn bị phòng chống lũ, sạt lở đất, những điểm có nguy cơ sạt lở cao và sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thông Thanh Hóa cũng đã có công điện khẩn đến 6 huyện, thị xã (Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thị xã Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Quảng Xương) ven biển Thanh Hóa, yêu cầu bằng các biện pháp tốt nhất thông báo cho tất cả các tàu cá, nhất là tàu có công suất từ 90CV trở lên, tàu khai thác bằng nghề lưới rê khơi sát đáy, nghề câu khơi, nghề mành chụp... nắm được diễn biến của cơn bão số 2 để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Sở hướng dẫn cho các tàu đã vào bờ neo đậu, tránh trú ở khu vực an toàn, tránh tình trạng bị va đập khi bão độ bộ vào đất liền, tổ chức trực ban và theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền để kịp thời xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra. 

Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là các huyện ven biển đã có gió và mưa rải rác./.