Những ngày cận Tết, hàng hóa tấp nập đổ về TP HCM và được bày bán ở khắp các chợ của thành phố. Nhiểu nhất là các sản phẩm như mứt, hạt dưa, hạt bí, các loại bánh kẹo. Tuy nhiên, điều đáng nói phần lớn các sản phẩm đều được chứa trong các bao bì không có nhãn mác, không ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng.

banh-keo.jpg
Bánh kẹo chứa trong các bao bì không có nhãn mác, không rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng tràn lan khắp chợ (Ảnh minh họa)

Các tiểu thương cho biết các loại mứt thường được giao cả bao lớn, nên khi bán họ phải phân nhỏ ra. Đa phần các loại mứt có xuất xứ từ các lò mứt tại thành phố như khu cư xá Đường Sắt ở quận 3, đường Xóm Đất của quận 11. Đây cũng là những địa chỉ liên tục bị phát hiện do sản xuất không đảm bảo chất lượng, vệ sinh. 

Tiểu thương Nguyễn Thị Nga ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh bật mí: “Bây giờ mọi người cũng hạn chế đồ ngọt vì sợ bệnh. Mặc dù người dân sợ, nhưng ăn thua là uy tín của mình. Ở đây tôi chỉ bán được cho khách quen vào trong này mua”.

Ngoài các loại bánh mứt, kẹo… các loại thịt gia súc, gia cầm hay sản phẩm được chế biến từ thịt như giò chả, lạp xưởng, dăm bông cũng được tiêu thụ rất nhiều trong dịp Tết. Ước tính mỗi ngày, người dân TP HCM tiêu thụ khoảng 11.000 con lợn, 200 con trâu, bò, 76.000 con gia cầm. Tuy nhiên, cùng với hàng có chất lượng thì thời điểm trước Tết cũng là cơ hội để thực phẩm bẩn ồ ạt tràn vào thành phố.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cảnh báo: “Cao điểm sẽ vào ngày 27 - 29 Tết với lượng hàng hóa khổng lồ tăng lên gấp 2 - 3 lần ở các chợ đầu mối. Vì vậy, các chợ phải chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo điều kiện, không để vệ sinh nhếch nhác để đảm bảo an toàn”.

Năm nào TP HCM cũng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh thực phẩm nhưng người dân vẫn chưa thể an tâm vào hiệu quả của công tác này. Mỗi tuần đoàn liên ngành thực hiện khoảng 3 ngày kiểm tra, mỗi ngày tập trung vào một nhóm thực phẩm như thủy hải sản, bánh mứt, củ kiệu… Với hàng ngàn cơ sở sản xuất và phân phối thì việc kiểm tra như vậy chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Hơn nữa, thực phẩm bẩn chỉ có thể phát hiện ra bằng cách làm các xét nghiệm nhưng việc thanh tra, kiểm tra hiện nay chỉ chủ yếu tập trung vào xem xét các cơ sở sản xuất hay buôn bán có đủ các loại giấy tờ không.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho hay: “Đa số vi phạm về điều kiện trong sản xuất chế biến như điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị, vệ sinh nhân viên. Các cơ sở sản xuất thực phẩm bung mạnh ra để cung ứng cho nhu cầu dịp Tết nên thường vi phạm các điều kiện, dẫn đến thực phẩm không an toàn, nhất là ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mang tính thời vụ”.

Điều đáng nói là các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh thực phẩm cũng không mấy mặn mà với sự vào cuộc của báo chí. Khi phóng viên yêu cầu được trao đổi về công tác này thì từ thanh tra sở y tế cho đến chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Không nhiều phóng viên được đi theo các đoàn thanh tra để thực hiện chức năng thông tin về các cơ sở thực phẩm.

Để có một cái Tết thực sự an toàn, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra vệ sinh thực phẩm ngay từ giai đoạn sản xuất cho đến phân phối ở các chợ, siêu thị; xử lí nghiêm những nơi buôn bán thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời cung cấp thông tin cho báo chí về nơi sản xuất thực phẩm bẩn và cả thực phẩm sạch để tuyên truyền cho người tiêu dùng biết. Có như vậy người dân sẽ bớt đi nỗi lo về thực phẩm không an toàn mỗi khi Tết đến xuân về./.