Trong 3 ngày mưa to kéo dài tại 5 tỉnh khu vực Tây Bắc: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu đã làm 20 người chết, mất tích, 26 người bị thương. Hàng trăm hộ bị mất nhà cửa và di dời khẩn cấp. Thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương hiện gặp muôn vàn khó khăn do địa hình phức tạp, giao thông chia cắt và liên tiếp từ tháng 7 đến nay phải đối phó với mưa lũ.           

Hơn 1 ngày sau cơn lũ dữ đi qua, chặng đường từ trung tâm huyện Sa Pa về bản Can Hồ A đã bớt lầy lội, nhưng nơi sinh sống của hơn chục gia đình vẫn ngổn ngang đất đá, cây cối. Những túp lều tạm phủ bạt xanh mới được dựng lên tron von trên đỉnh núi. Mất đi người thân, những người ở lại còn chưa nguôi nỗi đau đớn, họ lại đối mặt lo cho cuộc sống ở phía trước. Nhà cửa, ruộng nương, trâu bò bao năm gây dựng nay đã không còn. Làm gì để vực lại cuộc sống cho bà con khi vừa thoát nghèo lại tái nghèo là trăn trở của trưởng thôn Can Hồ A, Chảo Dào On: “Đau lòng quá, làm bao nhiêu năm đến giờ phút này thì tan nát hết, không biết đến bao giờ mới khôi phục lại được như trước. Đồng bào ở đây rất cần sự hỗ trợ cho những gia đình bị mất nhà, mất cửa, không còn cả quần áo, chăn màn, cần cứu đói khẩn cấp”.
mua%20bao.jpg
Lực lượng công an, quân đội tham gia giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ tại Lào Cai

Chia sẻ với nỗi lo lắng và trăn trở này, trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã quyết định hỗ trợ cho các hộ có nhà sập hoàn toàn mỗi hộ 25 triệu đồng. Cùng với đó là hỗ trợ gạo, mì tôm cùng nhiều nhu yếu phẩm khác để các hộ bị thiệt hại không bị đói, rét.

Tại tỉnh Lai Châu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương rà soát, bố trí sắp xếp khu tái định cư cho hơn 100 hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cho biết: “Những hộ có nhà cửa, tài sản bị thiệt hại nặng, tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ, những hộ đặc biệt khó khăn là 7 triệu đồng. Những nơi các hộ không ở lại được thì tỉnh cho Ban phòng chống bão lũ của huyện lập phương án để tổ chức di dời và chính sách áp dụng theo quyết định số 1776 của Chính Phủ về sắp xếp lại dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao”.

Tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, mất tích. Đồng thời tích cực huy động lực lượng và phương tiện, máy móc để nhanh chóng thông đường trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Cùng với đó, khẩn trương nạo vét, tu sửa các công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ việc chăm sóc lại diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, công tác khắc phục tại các địa phương này gặp nhiều khó khăn, do địa hình giao thông hẹp, khối lượng sạt lở đất đá lớn nên công tác khắc phục phải kéo dài thời gian. Nhất là đối với sản xuất đã quá thời hạn trồng lúa, phải chờ đến gieo trồng vụ đông.

Ông Đỗ Văn Huấn, Phó ban Chỉ huy phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: “Hiện nay công tác khắc phục rất khó khăn. Phải đến 10 năm nay mới có trận mưa lớn như thế. Hoa màu không phải bị ngập úng nữa mà bị vùi lấp hoàn toàn. Nên việc khắc phục tình trạng này nhiều khả năng phải chuyển sang vụ đông vì vụ mùa đã hết lịch thời vụ”.

Trong khi chưa kịp khắc phục hậu quả trận lũ quét tại bản xã bản Khoang, thì Lào Cai lại đang tập trung lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại khu bãi vàng rừng Vầu, rừng Xanh xã Minh Lương, huyện Văn Bàn do sạt lở núi. Theo thông tin ban đầu, số người bị chết và bị thương tại đây lên tới hàng chục người. PV VOV sẽ tiếp tục thông tin về tình hình mưa lũ./.