Những ngày này, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên phải tiếp nhận các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích do ngã, bỏng, tai nạn giao thông, hóc dị vật… Mới đây, ngày 25/6, cháu Trần Gia Bảo (2 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được đưa vào bệnh viện cấp cứu do ngã cầu thang từ tầng 2 xuống.

Bà Trần Thị Vy, bà nội của cháu cho biết, 2 mẹ con Gia Bảo lên tầng 2 ngủ, khi con ngủ thì mẹ đi xuống nhà. Đến lúc cháu dậy không thấy mẹ đâu, mò mẫm đi tìm thì rơi ngã từ tầng 2 cắm đầu xuống đất.

 

tre-em-2_jorc.jpg

Trẻ bị tai nạn giao thông

Cháu Nguyễn Huy Hoàng (4 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) cũng nhập viện do ngã khi đang chơi ở trường mầm non. Trước đó, cháu trơi đu quay ở sân trường mầm non, do không có ai trông nên cháu ngã đập đầu vào tường, phải khâu 3 mũi. Tuy nhiên, sau khi khâu xong, cháu Hoàng nôn từng cơn. Cách 1 tiếng cháu lại nôn 1 lượt.

Cháu Trần Gia Bảo và Nguyễn Huy Hoàng chỉ là 2 trong số gần 300 trẻ em bị tai nạn thương tích mà Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trong 3 tháng gần đây.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra từ 130.000 -150.000 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong số những nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ em thì chết đuối là nguyên nhân đứng hàng đầu. Đi kèm với trẻ bị tai nạn thương tích là khoảng 31.000 tỷ đồng mỗi năm phải chi để khắc phục hậu quả. Đó là chưa kể đến những tổn thất tinh thần có thể kéo dài dai dẳng nhiều năm sau đó mà nhiều gia đình phải gánh chịu.

Theo thống kê, có đến hơn 70% nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ em có thể phòng chống được. Thế nhưng không phải ai cũng ý thức được vấn đề này. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Long An có khoảng 10 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

 

Tai nạn thương tích ở trẻ em thường để lại di chứng nặng nề

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Huệ, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, khó khăn nhất hiện nay là một số địa phương, một số gia đình chưa nhận thức đúng trong việc chăm sóc trẻ em. Có nhiều gia đình điều kiện kinh tế rất thuận lợi nhưng lại chỉ lo làm kinh tế, không lo để ý đến trẻ em. Còn ở một số nơi vùng sâu vùng xa, điều kiện về cơ sở vật chất sinh hoạt, nơi vui chơi giải trí cho các em chưa được đầu tư nhiều do điều kiện kinh phí khó khăn ở địa phương.
 

Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về việc đảm bảo quyền được sống, học tập và vui chơi của trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: “Việc quan trọng nhất là làm sao truyền thông đến các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ để có ý thức tốt hơn nữa trong việc phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đặc biệt là phòng chống đuối nước. Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương phải quan tâm hơn nữa, tìm cách tuyên truyền để tiếp tục xây dựng cộng đồng an toàn, ngôi nhà an toàn. Đồng thời phối hợp liên ngành, dạy bơi cho trẻ em. Đây là những biện pháp tổng thể cần phải tiếp tục đẩy mạnh”.

Phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em là trách nhiệm, cũng như mối quan tâm của cả xã hội. Để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro phụ thuộc rất nhiều vào ý thức vào kiến thức của các bậc ông bà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cả cộng đồng./.