Hiện nay, tại các tỉnh Nam Trung bộ như Khánh Hòa, Phú Yên có gần 4.800 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Đây là địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất hiện nay. Ngành y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa xác định, có 300 ổ dịch rải khắp các huyện, thị xã, thành phố, với 120 ca mắc mới mỗi tuần. Tại thành phố Nha Trang, nơi tập trung 40 vạn dân có lượng người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa.

Bà Trần Thị Thanh, ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lo lắng: “Ở đây, nước không thoát được, rồi đưa ra ngoài đường, mạnh nhà ai nấy xả. Chính vì vậy mà bọ gậy và muỗi muỗi rất nhiều. Tôi ở đây 4 tháng rồi nhưng không thấy ai đem thuốc xịt gì cả. Nhà có cháu nhỏ, các cháu mới bị sốt cả tuần nay, mà đã sốt thì phải 10 ngày mới khỏi”.

shh.jpg
Phun thuốc diệt bọ gậy, phòng bệnh sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)

Viện Pasteur Nha Trang kết luận, đến nay virut Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có cả 4 type gây bệnh thay vì 2 type như mọi năm nên công tác phòng chống dịch thêm khó khăn. Trước tình hình này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các địa phương tập trung dập dịch.

Bác sỹ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Người dân còn có tâm lý ỷ lại ngành y tế, nghĩ rằng có muỗi, sốt xuất huyết thì phun thuốc sẽ hết. Nhưng thực tế vấn đề diệt lăng quăng, bọ gậy là vấn đề then chốt. Chính vì vậy, các cấp chính quyền cần phải tích cực hơn nữa, đặc biệt là ý thức của người dân trong phòng chống sốt xuất huyết... Nếu chúng ta làm được đó thì vấn đề giảm sốt xuất huyết sẽ rõ rệt hơn”.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay đã có gần 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 người tử vong; 60 ổ dịch được khoanh vùng và xử lý bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, công tác dập dịch chưa triệt để. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Sở Y tế tỉnh Phú Yên đã tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết, trước mắt là tập trung phun hóa chất, xử lý ngay ổ dịch và hướng dẫn phác đồ phác đồ điều trị sốt xuất huyết cho các trạm y tế cơ sở.

Ông Trúc nhấn mạnh: “Cấp ủy ,chính quyền địa phương phải quyết liệt, tất cả các ban ngành đoàn thể phải tích cực tham gia cùng ngành y tế, nếu chỉ có ngành y tế thực hiện thì việc tổng vệ sinh, diệt bọ gậy sẽ hạn chế. Thứ 2 là phải tuyên truyền cho người dân thấy nguy hiểm của sốt xuất huyết. Các cơ sở y tế khi phát hiện thấy ca bệnh diễn biến nguy hiểm, phải chuyển lên tuyến trên kịp thời cứu chữa theo phác đồ điều trị:./.