Siêu bão số 14, tên quốc tế là Haiyan được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với sức gió có thể lên tới 270km/h đang tiến vào biển Đông. Dự báo trong đêm mai (9/11), bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các đảo và các tỉnh ven biển nước ta. Hiện nay, đường đi của bão còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về diễn biến của cơn bão này trong những ngày tới.

bao-so-14.jpg
Vị trí và đường đi của cơn bão Haiyan

PV: Xin ông cho biết diễn biến của cơn bão số 14 trước khi đổ bộ vào đất liền như thế nào?

Ông Lê Thanh Hải: Cơn bão số 14 có tên quốc tế là Haiyan, trong ngày hôm nay nó sẽ vượt qua miền trung Philippines đi vào biển Đông nước ta. Đây là 1 cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ở vùng tây bắc Thái Bình Dương. Cơn bão này sẽ tàn phá rất lớn với sức gió lên tới cấp 15 đến 17 và giật cấp 19 đến cấp 20 khi đi qua miền trung của Philippines. Đối với cơn bão cấp 12, cấp 13 thì tất cả các nhà cấp 4, nhà khung hầu hết là sụp đổ nếu như ở vùng ven biển, còn lại những nhà mái bằng sẽ bị ảnh hưởng nếu chất lượng xây dựng thấp. Đến thời điểm này thì chúng ta đều phải phòng chống đối với cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay.

PV: Ông có khuyến cáo như thế nào đến người dân vùng bị ảnh hưởng khi sức gió của cơn bão số 14 có thể lên tới 270km/h, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Bắt đầu từ đêm mai (9/11) bão sẽ uy hiếp đối với các đảo, sau đó đến nửa đêm sẽ uy hiếp đến các tỉnh ven biển. Thời gian chúng ta chuẩn bị phòng tránh không còn nhiều, chỉ còn trong ngày và đêm nay cũng như ngày mai. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa có khả năng bị ảnh hưởng, những vùng gần trung tâm thì khi bão vào bờ có thể lên tới cấp 12, cấp 13, khu vực trọng tâm sẽ là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngoài ra, lượng mưa do cơn bão này gây ra sẽ rất lớn, các tỉnh Trung bộ từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, Tây Nguyên sẽ có mưa to đến rất to.

PV:Thời điểm này đã cuối mùa mưa bão năm 2013 nhưng vẫn xảy ra hiện tượng bão chồng bão như vừa qua. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi đã thống kê năm 1964 đã có 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đây là kỷ lục ghi nhận ở biển Đông, năm nay số lượng bão và áp thấp nhiệt đới đã lên tới 18 gồm 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng năm 1876 lại không có 1 cơn bão nào trên biển Đông. Như vậy, số lượng các cơn bão hàng năm dao động mạnh từ 0 đến 18, hàng năm có sự biến thiên rất lớn. Tại sao năm nay có đặc biệt như vậy thì phải có nghiên cứu, nhưng chúng tôi nhận định có lẽ có 1 phần của biến đổi khí hậu, hoàn lưu. Theo kết quả nghiên cứu thì biến đổi khí hậu không mang lại sự gia tăng số lượng các cơn bão nhưng lại xuất hiện rất nhiều cơn bão mạnh như Sơn Tinh, cơn bão số 10, 11 và cơn bão số 14. Mấy năm trở lại đây, mưa bão đang có khuynh hướng mở rộng ra cả những thời kỳ không phải mùa mưa bão (từ tháng 7 đến tháng 10). Nó phân bố ra cả những tháng mà trước đây không gặp như tháng 12, tháng Giêng. Bão hiện nay có thể xuất hiện trái mùa, có thể xuất hiện sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Mùa mưa bão năm nay, có thể kéo dài cho đến tháng cuối tháng 11, sẽ còn 1 đến 2 cơn bão hoặc áp thấp nữa trên biển Đông, cơn bão số 14 chưa phải cơn bão cuối cùng của năm nay./.

PV:Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!./.