Với các đặc tính cơ bản là rẻ tiền, bền với các điều kiện thời tiết nóng, ẩm, mặn và dễ sử dụng, tấm lợp fibro-xi măng (AC) là một loại vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu vật liệu lợp của người dân Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 10 nước tiêu thụ amiang nhiều nhất trên thế giới, khoảng trên 60.000 tấn/năm. Cả nước có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro-xi măng AC đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 90-95% lượng amiang nhập vào Việt Nam với năng lực sản xuất khoảng 100 triệu m2 AC/năm.
Amiang âm thầm “giết người”
Hữu ích là vậy nhưng amiang rất độc hại với con người và môi trường. Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiang đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Sợi amiang có thể gây độc hại cho phổi sau 10-20 năm, gây ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi.
Các nhà khoa học Anh đã phân tích và cho kết quả rằng, tỷ lệ chết vì bị ung thư phổi ở những công nhân sản xuất nguyên liệu amiang cách điện cao gấp 14 lần những công nhân không tiếp xúc với amiang. Từ năm 1967 đến năm 1977, các nhà khoa học đã còn theo dõi sức khỏe của 17.800 công nhân Mỹ và Canada sản xuất nguyên liệu sợi amiang và thấy rằng, tỷ lệ mắc ung thư phổi và u dưới da đều rất cao. Các công nhân sản xuất amiang lại thường mặc quần áo bảo hộ về nhà khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm bụi amiang và người nhà của họ cũng dễ bị ung thư phổi.
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 90.000 người chết do các bệnh nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc với amiang, trong đó có 43.000 ca ung thư trung biểu mô, 39.000 ca ung thư phổi, 7.000 ca bệnh phổi. |
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu KHKT-BHLĐ, ở nước ta, số lao động hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp và chịu ảnh hưởng của chất amiang khoảng 5.000 người, chủ yếu làm việc tại các dây chuyền sản xuất như: nghiền, xé bao amiang, trộn nguyện liệu, cán tấm lợp, dỡ khuôn, bốc dỡ, bảo dưỡng sản phẩm...
Khảo sát thực tế của Viện KHKT-BHLĐ tại Công ty CP Secpentin và Hóa chất Thanh Hóa và Xí nghiệp sản xuất tấm lợp thuộc Công ty cổ phần cơ điện-luyện kim Thái Nguyên trong năm 2010 cho thấy, tại các mỏ vẫn còn một lực lượng lớn lao động làm việc thủ công, chưa đảm bản an toàn vệ sinh lao động.
Các bệnh mà công nhân trong Công ty thường mắc nhiều nhất là các bệnh về mắt, tiếp đó là các bệnh về răng hàm mặt, huyết áp và tai mũi họng. Tỷ lệ người lao động mắc bệnh ngày càng tăng và nguyên nhân có liên quan đến ô nhiễm môi trường. Ngoài ra tỷ lệ người lao động mắc các triệu chứng như đau trong các khớp dây thần kinh, mất ngủ, chóng mặt, đau mắt, ù tai... cũng tương đối cao (chiếm 13-18% người được phỏng vấn)...
Sẽ dần loại bỏ amiang?
Tại Hội thảo “Xây dựng năng lực và nghiên cứu phòng ngừa bệnh liên quan đến amiang năm 2010 và những năm tiếp theo”, ông Apolinar Tolentino, Công đoàn Xây dựng quốc tế cho biết, hiện nay đã có 53 nước cấm sử dụng amiang, kể cả amiang trắng, như: Nhật Bản, Australia, Mỹ, Canada... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã nhận thấy nguy cơ đe dọa đối với lực lượng lao động trong ngành chế tạo vì họ phải tiếp xúc với các quy trình sản xuất lạc hậu. WHO đã khuyến cáo, tất cả các loại amiang, kể cả amiang trắng cũng gây ra các bệnh như bệnh phổi, ung thư và ung thư biểu mô. Công đoàn xây dựng quốc tế đã có chiến lược là sẽ tiến tới cấm sử dụng amiang trên toàn cầu.
GS.TS Lê Vân Trình (ảnh phải) và các đại biểu quốc tế trong một cuộc hội thảo về amiang |
Ở Việt Nam, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất tấm lợp AC, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 133/2004/QĐ-TTg nghiêm cấm sử dụng amiang amphibole (amiang nâu và xanh) nhưng vẫn cho phép sử dụng amiang chrysotyle (amiang trắng) để sản xuất tấm lợp AC song phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn môi trường và y tế dự phòng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Viện nghiên cứu KHKT-BHLĐ đã và đang thực hiện các nghiên cứu về amiang và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người. Dự án “Phòng chống các bệnh liên quan đến amiang” do Viện và một số cơ quan liên quan đang phối hợp thực hiện từ đầu năm 2010 cũng nhằm tìm ra giải pháp xây dựng năng lực và phòng ngừa bệnh liên quan đến amiang trong thời gian tới.
Theo GS.TS Lê Vân Trình, Viện trưởng Viện nghiên cứu KHKT-BHLĐ, hoàn toàn có thể thay thế được amiang trong sản xuất tấm lợp. Khảo sát điều tra về công nghệ thay thế amiang cho thấy, nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm không amiang bao gồm: sợi PVA, xi măng, bột giấy, xenlulo, nước, các chất phụ gia vô cơ... Dây chuyền công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang không có khác biệt lớn so với dây chuyền sản xuất tấm lợp AC ngoại trừ cụm thiết bị chuẩn bị huyền phù và các thông số tốc độ làm việc của thiết bị. Ước tính giá thành tấm lợp không amiang cao hơn 20% so với tấm lợp AC. “Quá trình thử nghiệm chất lượng đã khẳng định khả năng có thể thay thế amiang trong sản xuất tấm lợp bằng các vật liệu mới theo quy mô sản xuất công nghiệp” - GS.TS Lê Vân Trình nhận định.
Cũng theo GS.TS Lê Vân Trình, qua điều tra đối với các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất thì có đến 78,6% cho rằng nên triển khai ngay vật liệu thay thế.
Mặc dù vậy, trong thời điểm hiện nay triển khai dự án về vật liệu thay thế amiang, thực tế nước ta vẫn đang có nhu cầu cao về tấm lợp, nhất là ở khu vực nông thôn, nên chủ trương của Nhà nước vẫn cho phép sử dụng amiang chrysotyle (amiang trắng) để sản xuất tấm lợp AC song phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn môi trường và y tế dự phòng. Đặc biệt, hàng nghìn người đang lao động trực tiếp trong môi trường có amiang độc hại, bên cạnh việc cải thiện điều kiện lao động, hạn chế sự phát tán bụi amiang vào không khí, người lao động cần có biện pháp bảo vệ thích hợp, đặc biệt là phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp./.