Người dân hoang mang

Chuyển về sinh sống ở Khu đô thị Mỹ Đình 2 (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) cả chục năm, ngày 3/7/2014, hàng nghìn người dân tại đây hoang mang trước thông tin Bộ Y tế kiến nghị dừng hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình II (Công ty TNHH một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị - HUDS là chủ đầu tư xây dựng và cũng là đơn vị quản lý vận hành), do kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của trạm này cung cấp có nồng độ Asen cao gấp 4 lần mức cho phép.

Đáng nói hơn là theo thông tin cung cấp từ một số người dân thì "sự cố nước bẩn" đã được người dân nơi đây phát hiện từ nhiều năm. Sau khi nhận thấy nguồn nước có những biểu hiện bất thường, các hộ gia đình đã độc lập đem mẫu nước đi xét nghiệm ở cơ quan chuyên môn. Năm 2012, cư dân ở tòa nhà CT3A đã tự lấy mẫu nước đi xét nghiệm tại Viện Công nghệ môi trường Việt Nam.

phieu_kiem_nghiem_onqo.jpg 

Kết luận mẫu nước do bà Phạm Thị Hoạch đem đi phân tích tại Viện Công nghệ môi trường Việt Nam 

Ngày 30/1/2013, Viện Công nghệ môi trường Việt Nam trả kết quả với chỉ số Asen trong nước sinh hoạt là 0,03 mg/l (cao gấp 3 lần so với quy định cho phép).Thông tin này đã được người dân kiến nghị lên Trạm Cấp nước Mỹ Đình 2 và nhận được lời hứa sẽ thay thế hệ thống lọc. Tuy nhiên, theo cư dân khu vực này, không biết là trạm cấp nước đã thay thế hệ thống lọc thế nào vì không ai được biết mà cũng không có thông báo.

Sự việc này chỉ được lên tiếng mạnh mẽ sau khi có đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về lấy mẫu nước và phát hiện nước nhiễm Asen vượt 4 lần mức cho phép. Câu chuyện phải sống chung với nguồn nước nhiễmAsen của cư dân Mỹ Đình 2 từ nhiều năm qua một lần nữa cho thấy đã và đang có nhiều vấn đề đặt ra trong việc cung cấp, kiểm soát chất lượng nguồn nước ở các khu chung cư ở nước ta. Vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những gì đang xảy ra khiến dư luận đặt ra không ít băn khoăn.

Tỏ ra bức xúc khi nhu cầu thiết yếu nhất của người dân là được sử dụng nước sạch đã không được chủ đầu tư cung cấp đảm bảo, chị Đ.T.H.N. (ở tòa nhà CT4) mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm xem xét, tìm ra đơn vị sẽ chịu trách nhiệm khi để hàng nghìn người dân bị "đầu độc" bởi nguồn nước nhiễm Asen trong nhiều năm. 

Vợ chồng chị N. có 2 con nhỏ, cháu thứ 2 mới được 7 tháng tuổi, hàng ngày, chị vẫn dùng nước trực tiếp từ bể của tòa nhà chảy xuống vòi của gia đình để nấu bột, pha sữa cho con. Chị N. vô cùng hoang mang vì gia đình đã chuyển về đây sinh sống từ năm 2004, đến nay đã 10 năm cả nhà chị phải sử dụng nguồn nước này và không hiểu đến nay sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng như thế nào.

 

Hệ thống xử lý nước ở Trạm cấp nước Mỹ Đình 2

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp cung cấp nước

Với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Việc hàng nghìn người dân ở Khu đô thị Mỹ Đình 2 bỏ tiền mua nước sạch nhưng phải dùng nước nhiễm độc trong thời gian qua là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa là 1 trong 8 quyền của người tiêu dùng theo Luật định”.

Theo ông Hùng, được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa là một trong những quyền của người tiêu dùng được quy định tại khoản 2, điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, vào năm 2013 có thông tin nước sạch ở khu vực Mỹ Đình có hàm lượng Asen cao, đơn vị cấp nước đã kí hợp đồng với một đơn vị khác để xử lý Asen trong nước tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2. Điều đó cho thấy ít nhất một năm qua, người tiêu dùng không hề được cảnh báo theo quy định tại khoản 3, điều 12, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Hùng cho rằng: “Việc người dân yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng là một quyền của người tiêu dùng, được quy định tại khoản 6, điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ phía tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng cũng được quy định tại điều 23, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Theo đó, người tiêu dùng có nhiều cách lựa chọn mà pháp luật đã quy định, như: thương lượng với chính đơn vị cung ứng nước, hoặc chọn phương thức hòa giải, trọng tài hoặc Tòa án. Về thủ tục pháp lý, tùy phương thức mà mình lựa chọn, người tiêu dùng sẽ được tư vấn cụ thể. Pháp luật không quy định tất cả người dân phải cùng lên tiếng”.

Đồng quan điểm với ông Hùng, TS. Luật sư Trần Đình Triển - Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân cho rằng, nghề kinh doanh nước sạch là nghề đặc biệt, yêu cầu phải đảm bảo các yếu tố: một là đảm bảo vệ sinh, thứ 2 là cung cấp đủ, đảm bảo đời sống khu dân cư, các tổ chức trên phạm vi đơn vị cung cấp, thứ 3 là phải thực hiện theo thang giá của nhà nước. Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 thuộc công ty HUDS có các cơ quan chức năng kiểm định việc khai thác cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật cung cấp lượng nước sạch đảm bảo đúng tiêu chuẩn, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Về góc độ pháp lý, Luật sư Trần Đình Triển nhận định: “Sự việc nước sinh hoạt ở Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 nhiễm Asen, là một sự thiếu sót, trước hết trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp cung cấp nước đó là công ty HUDS; thứ 2 là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra vệ sinh môi trường không kiểm định, không thanh tra, không kiểm tra kiểm soát.

“Các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét mức độ nước không đảm bảo như vậy ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân. Nguồn nước không đảm bảo đó có thể gây bệnh tật hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống mai sau của người dân như thế nào. Đó là vấn đề mà cơ quan nhà nước phải đưa ra con số tương đối chính xác. Từ đó buộc công ty phải bồi thường những tổn hại về sức khỏe người dân. Tùy theo tính chất mức độ cũng cần phải xem xét, xử lý về hành chính, hoặc thậm chí là hình sự đối với những cá nhân thuộc công ty có trách nhiệm cung cấp nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước có liên quan”, Luật sư Triển nhấn mạnh thêm.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, theo Luật sư Triển, các cơ quan có thẩm quyền cần thành lập đoàn thanh tra liên ngành xem xét việc đầu tư, cung cấp, đảm bảo vệ sinh môi trường nguồn nước do công ty HUDS cung cấp, từ đó mới đưa ra kết luận về vi phạm cần phải xử lý ở mức độ nào. Trước hết, để giải quyết vụ việc, doanh nghiệp cung cấp nước cần phải nhanh chóng cung cấp nguồn nước sạch khác thay thế nguồn nước nhiễm Asen, đảm bảo đời sống của người dân ổn định càng sớm càng tốt./.