Vấn đề nước sinh hoạt nhiễm Asen (thường được biết đến với tên gọi "thạch tín") giờ đây không còn là câu chuyện mới lạ với người dân Hà Nội. Song, điều khiến dư luận xôn xao trong thời gian gần đây là ngày 2/7, trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị thành phố Hà Nội đình chỉ hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 vì có nồng độ Asen trong nước vượt gần 4 lần quy định cho phép. Công suất hiện tại của trạm là khoảng 1.000m3/ngày đêm và cung cấp nước cho khoảng 1.290 hộ tiêu thụ (bao gồm cả trường học và cơ quan).

Asen từ đâu mà ra? Làm thế nào người dân nhận biết được mình đang sống trong khu vực mà nguồn nước sinh hoạt nhiễm Asen và tìm cách hạn chế tốt nhất ô nhiễm Asen trong điều kiện hiện nay, PV VOV.VN phỏng vấn PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế về vấn đề này.

 

ong_nguyen_huy_nga_1_dcgp.jpgPGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

PV: Xin ông cho biết, Asen là chất gì? 

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Asen là một á kim, màu xám bạc hay trắng như thiếc, giòn. Asen có tỷ trọng 5,73 nóng chảy ở 817°C (36atm), thăng hoa ở 715°C. Asen không độc khi nguyên chất, nhưng Asen rất độc ở dạng hợp chất; Asen luôn biến đổi do oxy hóa hoặc lẫn các tạp chất Asen oxy hóa. Asen vô cơ thường ở dạng hóa trị III hoặc V.

Trong tự nhiên, Asen là thành phần của lớp trầm tích vỏ trái đất nên nó thường có mặt trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt tuy chỉ ở hàm lượng thấp khoảng vài μg/l. Tuy nhiên, ở một số khu vực trên thế giới, nước ngầm có hàm lượng Asen rất cao do lớp trầm tích có cấu trúc, thành phần hóa học thuận lợi cho việc hòa tan Asen từ đất. Hiện tượng này được phát hiện tại các khu vực đồng bằng châu thổ thấp trũng, xảy ra lụt lội hàng năm, dòng chảy thủy văn chậm, các lớp bồi tích trẻ thiếu oxy thuận lợi cho việc giải phóng Asen từ đất ra nước.

Ô nhiễm Asen trong nước ngầm (dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu) đã được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới: Bangladesh, Chile, Trung Quốc, Campuchia,  Việt Nam….

PV: Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe do nhiễm độc Asen như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Asen là một chất rất độc, độc gấp 4 lần thuỷ ngân. Asen nguyên tố và các hợp chất của Asen cũng được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh Châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1. Dạng vô cơ của Asen độc hơn dạng hữu cơ của nó, dạng gây độc ảnh hưởng mạnh tới con người là Asen hóa trị III… Thạch tín là tên gọi thông thường dùng chỉ nguyên tố Asen, nhưng cũng đồng thời dùng chỉ hợp chất oxit của Asen hoá trị III (As2O3). Oxit này màu trắng, dạng bột, tan được trong nước, rất độc. Khi uống phải một lượng thạch tín (As2O3) bằng nửa hạt ngô, người ta có thể chết ngay tức khắc.

Asen có thể xâm nhập cơ thể theo 3 đường: hô hấp, da và chủ yếu là tiêu hóa. Asen tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh. Nếu bị nhiễm độc từ từ, mỗi ngày một ít, tuỳ theo mức độ bị nhiễm và thể tạng mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, ung thư, giảm trí nhớ... Asen làm thay đổi cân bằng hệ thống enzim của cơ thể, nên tác hại của nó đối với phụ nữ và trẻ em là lớn nhất.

Từ lâu, người ta đã biết đến tác hại của việc tiếp xúc với Asen đối với cơ thể con người. Tuy vậy, người ta thường chỉ nghĩ tới nhiễm độc Asen những trường cấp tính, rõ ràng do ăn, uống, hít phải hay tiếp xúc với Asen có liều lượng lớn. Asen khi thâm nhập hàng ngày vào cơ thể kể cả ở hàm lượng thấp cũng gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như: gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, thậm chí liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư bàng quang, ung thư gan.

 Asen khi thâm nhập hàng ngày vào cơ thể kể cả ở hàm lượng thấp cũng gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như: gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, làm rối loạn sắc tố da, ung thư gan, ung thư bàng quang...

PV: Những biểu hiện khi người dân nhiễm Asen?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Các tổn thương liên quan đến sử dụng nước nhiễm Asen để ăn uống chủ yếu là nhiễm độc mạn tính với các triệu chứng: tiêu chảy hoặc táo bón, ngứa, nổi ban đỏ, niêm mạc tổn thương, viêm lợi, viêm họng, viêm đường hô hấp trên và viêm màng kết hợp. Các triệu chứng về thần kinh như tê cóng, bỏng da, kiến bò kèm theo run, teo cơ, viêm nhiều dây thần kinh. Tổn thương da: viêm, loét dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, biến đổi sắc tố da, sạm da, rụng tóc, rụng lông và tăng tỷ lệ ung thư da, phổi, bàng quang, xương sàng.

Đối với người sau khi ăn, uống phải một lượng lớn asen từ 0,3 – 30mg sẽ xảy ra nhiễm độc cấp, các triệu chứng thường bộc lộ trong vòng từ 30 – 60 phút và dẫn tới tử vong sau vài giờ hoặc vài ngày. Ngộ độc cấp tính Asen thường bắt đầu bằng một cảm giác thấy vị kim loại hoặc tỏi, bỏng rát môi và khó nuốt. Nôn dữ dội có thể xảy ra sau đó và có thể cuối cùng dẫn tới xuất huyết. Sau khi gây ra hàng loạt vấn đề ban đầu với dạ dày – ruột, nhiễm độc Asen có thể làm ngừng hoạt động của nhiều cơ quan, và dẫn đến gan to, rối loạn chuyển hóa melamin, tan máu, viêm dây thần kinh ngoại biên.

Sau khi hấp thu Asen vào gan, thận, tim, xương, da, lông, tóc, móng, não và tích lũy một phần ở các tổ chức này. 75% Asen hấp thu được thải qua thận ra nước tiểu dưới dạng acid dimetylarsinic 65% và acid metylarsonic 20%. Vài phần trăm thải theo phân trong tuần lễ đầu tiên. Một số ít Asen hấp thu được thải ra qua sự bong da, lông, tóc, móng….

PV: Thưa ông, bằng cách nào để người dân có thể phân biệt giữa nước nhiễm Asen và nước đảm bảo chất lượng?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Asen không gây mùi vị khó chịu khi có mặt trong nước ngay cả ở lượng đủ làm chết người, không màu, không mùi, nên không thể phát hiện bằng cảm quan. Vì vậy Asen chỉ được phát hiện qua xét nghiệm. Bởi vậy có người gọi nó là “kẻ giết người vô hình”.

PV: Biện pháp nào để khống chế hiệu quả được lượng Asen trong nước sinh hoạt?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga: Về lâu dài, thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về: Nước sạch về vệ sinh môi trường nông thôn, Nông thôn mới… tiếp tục phát triển các trạm cấp nước sạch tập trung/ các nhà máy nước theo hình thức xã hội hoá để thay thế dần nước giếng khoan hộ gia đình tại các khu vực ô nhiễm Asen.

Trong trường hợp không có nguồn nước cấp từ hệ thống cấp nước tập trung thì hộ gia đình có thể sử dụng một số mô hình xử lý Asen hiệu quả như: Sử dụng bể lọc cát kết hợp với giàn phun mưa, sử dụng mô hình bể lọc cát có bổ sung đinh sắt lọc Asen ở nguồn nước có hàm lượng sắt thấp; sử dụng các loại bộ lọc Asen chuyên dụng, sử dụng các nguồn nước thay thế khác như nước mưa, nước máng lần.

Một số giải pháp kỹ thuật giảm thiểu asen trong nước ăn uống và sinh hoạt dựa trên khả năng tạo thành hợp chất ít tan của Asen V như FeAsO4; Mn(AsO4)2; AlAsO4. Sau đây là một số phương pháp đã và đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới: 

Phương pháp đồng kết tủa; Hấp phụ Asen bằng sắt hydroxit; Xử lý asen trong nước bằng oxit sắt phủ trên các vật liệu cấu trúc hạt; Xử lý asen bẳng rỉ sắt kim loại; Xử lý asen bằng nhôm hoạt động; Xử lý asen bằng FePO4; Xử lý asen bằng các vật liệu đi từ Mangan;Sử dụng dương xỉ để loại bỏ asen trong nước; Xử lý asen bằng màng lọc; Xử lý asen bằng hệ thống lọc cát; Hệ thống lọc với vật liệu Mangan MF-97; Loại trừ asen bằng than hoạt tính làm từ gáo dừa; Xử lý asen dựa trên phương pháp oxy hóa kết tủa; Xử lý asen với cả vật liệu oxy hóa và vật liệu hấp phụ.

PV: Xin cảm ơn ông!./.