Mua nhà tiền tỷ, dùng nước nhiễm asen…

Tìm đến cụm dân cư dự án nhà để bán thuộc thôn Phú Mỹ (Mỹ Đình – Hà Nội) vào sáng 18/9 thấy hàng trăm hộ dân ở khu nhà NO1, NO2, NO3, NO4, NO5 đồng loạt treo băng rôn với nội dung: “Vô trách nhiệm với sức khỏe người dân”, “Công ty CPĐT BĐS Hà Nội cấp nước nhiễm Asen” mới thấy rõ bầu không khí gay gắt, bức xúc của người dân nơi đây.

nuoc-nhiem-asen-1.jpg
Người dân treo băng rôn trên tòa nhà NO1 bày tỏ sự búc xúc với chủ đầu tư

Theo phản ánh của chị Hoàng Bảo Thoa (phòng 602 – NO1) gia đình chị chuyển về sống tại đây từ năm 2008, sử dụng nguồn nước do Công ty CPĐT BĐS Hà Nội cung cấp. Tuy nhiên, từ đó đến nay không chỉ riêng gia đình chị mà nhiều hộ dân xung quanh đều phải sử dụng nguồn nước giếng khoan.

“Thời gian đầu mới chuyển về sống ở đây nước vẫn còn trong, nhưng chỉ sau 1 – 2 tháng thì đột nhiên nước đổi màu, nhiều hôm nước có màu đen như nước cống. Có hôm, quần áo được giặt xong trong máy giặt, tôi chuẩn bị lấy ra để phơi thì phát hiện toàn bộ quần áo chuyển màu đen kịt do giặt trong nước quá bẩn mà không biết, đành phải đổ mẻ quần áo đó đi” – chị Thoa cho biết.

Nhận thấy nguồn nước bị vẩn đục quá nhiều, không đảm bảo sinh hoạt từ năm 2010 – 2011, người dân nhiều lần phản ánh lên Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội (CPĐT BĐS Hà Nội - thuộc  Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) để thau, rửa. Tuy nhiên, đại diện phía công ty luôn khẳng định “Trạm xử lý và cung cấp nước là hạng mục thuộc dự án khu nhà ở để bán tại xã Mỹ Đình đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và  thi công đúng thiết kế”, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân.

Song, chỉ sau 1 tháng nước lại chuyển màu, nổi váng. Trước sự búc xúc của người dân, nhiều cuộc họp giữa người dân và đại diện công ty CPĐT BĐS Hà Nội được diễn ra, sau đó công ty cho người đến làm sạch đường ống thì nước lại trong trở lại.

Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng trên tiếp tục được lặp lại. Không yên tâm về nước sinh hoạt luôn trong tình trạng bị vẩn đục, chuyển màu, sau khi chuyển đến ở một thời gian, nhiều hộ gia đình đã tự mua hệ thống bình lọc RO, hay Nano để có nước sạch cho ăn uống.

Các gia đình khác không có điều kiện lắp đặt máy lọc vẫn phải dùng nước trực tiếp từ bể của tòa nhà chảy xuống.

Kết quả xét nghiệm mẫu nước của gia đình anh Hải cho thấy hàm lượng Asen cao gấp 41,6 lần so với mức cho phép

Anh Đỗ Tiến Trường (phòng 602 – NO1) gay gắt nói: “Trong hợp đồng mua nhà của họ ghi rõ ràng rằng Công ty CPĐT BĐS Hà Nội có một trạm xử lý nước, sau khi có đường nước sạch chạy vào thành phố về đến khu này thì họ sẽ đấu nối. Rất nhiều lần chúng tôi kêu gọi hiện nay nước sông Đà đã về đến đây rồi, đề nghị công ty đấu nối vì nước của công ty cung cấp quá bẩn, không sinh hoạt được. Nhưng họ đưa ra lý do, nếu đấu nối thì sẽ là hạng mục phát sinh do đó yêu cầu người dân đóng góp. Như thế là vô lý”.

Trong một lần vô tình đem mẫu nước đi xét nghiệm, một hộ gia đình đã nhận được kết quả cho thấy hàm lượng Asen gấp 37 lần mức cho phép. Quá hoảng sợ và bất ngờ, nhiều gia đình tiếp tục lấy mẫu nước tại gia đình đi xét nghiệm và đều cho kết quả nhiễm Asen ở mức cao. Cá biệt, ngày 10/9 anh Nguyễn Mạnh Hải (Phòng 804 – NO1) gửi mẫu nước đi xét nghiệm thì nhận được kết quả cao 41,6 lần so với mức cho phép.

Trước những bức xúc của người dân, ngày 8/9 một cuộc họp khẩn giữa cụm dân cư 5 tòa nhà và Công ty CPĐT BĐS Hà Nội diễn ra, đại diện phía công ty vẫn khẳng định “chất lượng nước đảm bảo từ năm 2007 đến 8/9/2012 theo quy định của tiêu chuẩn hiện hành. Cam kết thành lập tổ thí nghiệm nước gồm chủ đầu tư, đơn vị thi công, đại diện tổ dân phố lấy mẫu và ký biên bản xét nghiệm nước”.

Tuy nhiên, đến 19h ngày 10/9, có người dân vô tình đi tập thể dục ngang qua thì phát hiện thấy một số người chở 4 thùng hóa chất đổ vào trạm nước. Sau đó người dân đã báo lại cho công an huyện Từ Liêm đến bắt giữ. Số hóa chất còn lại đã được người dân và đơn vị quản lý tòa nhà niêm phong dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng. “Họ đã hành động không chấp nhận được. Mục đích của họ là làm giảm tối đa hàm lượng Asen trong nước, để hôm sau xét nghiệm và không có chất Asen trong nước như kết quả chúng tôi nhận được. Và nói  rằng chúng tôi đã hầm lẫn, nước của họ đảm bảo, không hề chứa Asen, người dân cứ yên tâm mà dùng”, chị Thoa bày tỏ.

Đỏ mắt mong nước sạch về nhà

 Trước phản ứng gay gắt của người dân, đơn vị chủ đầu tư là Công ty CPĐT BĐS Hà Nội vẫn một mực khẳng định nguồn nước đơn vị cung cấp đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành. Đồng thời công ty sẽ thành lập tổ thí nghiệm nước để lấy mẫu nước đi xét nghiệm. 

Về yêu cầu đấu nối và sử dụng nguồn nước sạch người dân, phía Công ty này cho rằng việc đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch sông Đà nằm ngoài chi phí dự án. Vì vậy, Ban lãnh đạo công ty đã thống nhất mỗi hộ dân cư đóng 3 triệu đồng và “Phần kinh phí còn lại do công ty có trách nhiệm thanh toán”.Song các cụm dân cư đều không nhất trí với phương án của công ty đưa ra. Anh Trường cho hay: “Ngay từ khi đến đây ở, chúng tôi đã phải trả rất nhiều loại phí dịch vụ, từ phí vệ sinh, gửi xe … trong đó có cả phí hệ thống hạ tầng xây dựng đường ống dẫn nước thì không có lý do gì họ bắt chúng tôi phải bỏ thêm một khoản tiền nữa. Như vậy thật quá phi lý”.

Xô, chậu được các gia đình huy động một cách tối đa để chứa nước sạch

Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm nước từ phía Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội, đơn vị này đã chủ động mua nước sạch của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco – Nhà máy nước Mai Dịch, vận chuyển bằng xe téc, cung cấp cho các hộ dân từ ngày 11/9. 

Nhưng theo ý kiến của anh Nguyễn Minh Thành (phòng 401)  lượng cung cấp nước sạch mỗi ngày không đủ cho gần 500 người sinh sống tại các tòa nhà. Nhất là các hộ ở tầng 7 và 8 vì nước không đủ mạnh để bơm lên các tầng cao. Tình trạng mất nước từ tối đến sáng sớm vẫn thường xuyên diễn ra, làm sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

“Như nhà chị Ngọc ở phòng 403 mới sinh con gái được 9 tháng tuổi, mặc dù gia đình đã lắp đặt hệ thống lọc nước Nano, hàng ngày vẫn dùng nguồn nước này để pha sữa cho con. Sau khi biết được kết quả xét nghiệm cho thấy Asen vượt 37 lần so với mức cho phép, chị Ngọc đã ngất xỉu”, anh Thành cho biết thêm.

Để đối phó với nguồn nước nhiễm Asen nặng, nhiều hộ dân phải mua các bình nước lọc 20 lít để nấu nướng hàng ngày, còn tắm giặt, hay các sinh hoạt khác vẫn dùng nguồn nước từ Công ty CPĐT BĐS Hà Nội cung cấp.

Xô, chậu cũng được các gia đình huy động một cách tối đa để chứa nước sạch, tiết kiệm từng giọt để nấu ăn.

Thậm chí, nhiều hộ còn mua bông gòn cho vào khăn màn bịt vào đầu ống dẫn nước để lọc nước./.

Theo Từ điển Bách khoa dược học xuất bản năm 1999, Thạch tín là tên gọi thông thường dùng chỉ nguyên tố Asen, nhưng cũng đồng thời dùng chỉ hợp chất oxit của Asen hoá trị III (As2O3). Oxit này màu trắng, dạng bột, tan được trong nước, rất độc. Khi uống phải một lượng thạch tín (As2O3) bằng nửa hạt ngô, người ta có thể chết ngay tức khắc.

Asen là một chất rất độc, độc gấp 4 lần thuỷ ngân. Asen tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh. Nếu bị nhiễm độc từ từ, mỗi ngày một ít, tuỳ theo mức độ bị nhiễm và thể tạng mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, ung thư, giảm trí nhớ... Asen làm thay đổi cân bằng hệ thống enzim của cơ thể, nên tác hại của nó đối với phụ nữ và trẻ em là lớn nhất