Bám đường mưu sinh

Hà Nội đang trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài. Gió rét. Sương đêm. Từng cơn gió ù ù, từng hạt mưa nhỏ táp vào người đi đường thêm lạnh buốt. Vốn là nơi tấp nập người qua lại, nhưng  mới 22h đêm (9/1) cung đường Khương Trung – Ngã Tư Sở vốn là cung đường chính của những xe ba gác ngô luộc, sắn, khoai nướng đã vắng bóng người qua lại. Thi thoảng có những người về muộn cũng phóng xe chạy thật nhanh để tránh rét. Song, dường như cái khắc nghiệt của thời tiết không làm cho người lao động nghèo quên đi gánh nặng mưu sinh.

ret-3.jpg
Những người lao động nghèo vẫn bám đường vất vả mưu sinh.

Bên vệ đường, chị Trần Thị Thùy (ở huyện Thường Tín – Hà Nội) đang lúi húi chỉnh lại bếp lò cho mẻ khoai nướng. Dù đã mặc thêm bộ áo mưa, mũ len trùm kín cả khuôn mặt chỉ hở đôi mắt trũng sâu, nhưng dường như với chị như vậy vẫn chưa đủ ấm. Trò chuyện với chúng tôi, tay chị vẫn không ngơi thoăn thoắt đảo khoai nướng trên bếp. Chị kể, ngày nào cũng vậy, bất kể giá rét hay mưa gió, vợ chồng chị đẩy xe hàng đi bán từ 3h chiều đến 2h sáng hôm sau mới về. Sau đó, cơm nước, tắm rửa, đến 3h sáng vợ chồng chị mới được đi ngủ. Đến 7h sáng hôm sau, họ đã bung chăn, dậy đi lấy hàng. Sửa soạn, nhóm bếp cho mẻ hàng mới. 15h, mỗi người một xe, lại kẽo kẹt đẩy xe hàng nặng tới gần 2 tạ ra cung đường này để bán.

Chị chia sẻ, ở quê nhà chị trồng được 2 sào ruộng, thu hoạch chỉ được 5 -6 tạ thóc, nuôi 5 miệng ăn. Nếu trông chờ vào mấy sào ruộng thì không đủ ăn. Mỗi khi cần tiền đóng học phí cho ba đứa con đang tuổi ăn học, tiền sinh hoạt, tiền ốm đau, đều thiếu trước hụt sau. Nên ngoài thời vụ, hai vợ chồng vào nội thành thuê nhà trọ để bán hàng rong ngô, khoai, sắn để có đồng ra đồng vào.

Chị cho hay, trời rét, hàng ngô luộc, sắn, khoai nướng mới có dịp bán chạy. Trung bình mỗi ngày lãi từ 100 – 200.000 đồng, tùy vào hôm gặp nhiều khách hay ít khách.

Trừ đi mọi chi phí nhập sắn, ngô, khoai, tiền than, túi nilong, tiền điện thu nhập cho những người bán khoai rong chỉ đủ sống qua ngày, chưa kể có những lần bị công an bắt cả xe hàng vì bán trên vỉa hè.

Với số tiền đó, những người bán hàng rong như vợ chồng chị chỉ dám thuê khu nhà trọ lụp xụp, đủ để che nắng mưa, ăn uống tằn tiện thì mới dành dụm được ít tiền gửi về quê cho con ăn học.

Theo chị, mấy ngày nay trời rét quá, ít người ra đường nên hàng hóa bán chậm hơn mọi ngày. “Tôi chỉ mong không ốm đau gì để còn đi bán hàng đều đặn. Rét mướt thế này, nếu chịu khó đứng bán muộn hơn mọi ngày, đạp xe vào các ngõ nhỏ cũng dễ gặp khách”, chị Thùy thổ lộ.

Đêm về khuya, trời càng lạnh thêm, phố xá vì thế cũng vắng vẻ. 24h đêm, dáng chị tảo tần, chịu khó, lầm lũi đẩy xe hàng đi trong đêm mặc cho mưa gió tạt vào lạnh buốt.

Xe ôm ế khách vì rét

Ngồi thu mình trên chiếc xe ôm tại một ngã ba trên đường La Thành, gương mặt tái ngắt vì lạnh, anh Nguyễn Ngọc Minh (ở xã Nam Hải – Tiền Hải- Thái Bình) ủ rũ cho biết: “Trời rét, nên mọi người thích đi xe taxi cho ấm, nên cánh xe ôm chúng tôi ế khách lắm. Từ sáng đến chiều, mới được “cuốc xe” chạy đến Thanh Nhàn được 40.000 đồng, trừ tiền xăng, tiền sinh hoạt cũng hết”.

Lái xe ôm đốt lửa sưởi "đuổi" rét

Làm ruộng ở quê không đủ ăn, anh đành lên Hà Nội chạy xe ôm để kiếm thêm tiền nuôi hai đứa con đang học đại học. Anh kể, mỗi tháng chu cấp cho mỗi đứa con ngót nghét gần 2 triệu đồng bao gồm tất cả các chi phí sinh hoạt từ tiền học, tiền ăn…Để tiết kiệm chi phí, mỗi tháng anh đều chở thêm gạo, rau, củ quả, lạc rang, trứng gà từ quê lên Hà Nội cho các con. Vì ở quê giá cả mềm hơn so với Hà Nội.

Đủ tiền cho các con ăn học, 6h sáng anh đã lịch kịch dắt xe ra đứng tại ngã ba này để bắt khách. Dù trời mưa, gió rét nhưng anh vẫn cố đứng đến đêm mới về khu trọ. Tranh thủ những lúc chưa có khách, cánh xe ôm xúm lại, rôm rả trò chuyện đốt lửa sưởi để quên đi cái rét.

Còn ông Văn Phú Xuân (ở đường Lê Duẩn – Hà Nội) cũng xuýt xoa không kém. Mặc dù đã về hưu, nhưng ông vẫn thích làm việc vì được kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Ngồi mãi mà không gặp được khách, ông đành đứng xuống đường tập vài động tác thể dục để người nóng lên. Ông kể, trời rét nên ai cũng muốn ở nhà chui vào chăn cho ấm, có việc nên mới phải đi ra đường nên khách hàng cũng ít hơn so với mọi ngày.

“Trời rét lại còn mưa, đường sá thì bẩn, có việc ra đường đến mình cũng thích đi taxi cho ấm, huống gì là họ”, ông cười nói.

Đêm đã khuya, tiếng rao “Ai xôi lạc, bánh khúc nóng đây….” của anh bán hàng dạo lọt thõm giữa không gian tĩnh mịch, lạnh cóng. Anh quê ở Hà Nam, vì ở quê không trồng cấy được nên hai vợ chồng lên Hà Nội kiếm sống. Đều đặn mỗi ngày, anh đạp xe quanh các con phố ở Hà Nội từ 21h tối đến 3h sáng hôm sau mới về nhà. Đến sáng hôm sau lại chuẩn bị cho mẻ bánh tiếp theo.

Mặc đêm đông lạnh giá ở Thủ đô, những thân phận nghèo từ khắp nơi, vì miếng cơm manh áo mà quên đi cực nhọc, mải miết mưu sinh./.