Nắng nóng oi bức, cùng với thời điểm học sinh được nghỉ hè là nguyên nhân khiến các bể bơi ở Hà Nội hiện đang quá tải. Tại các công viên nước, bể bơi trên địa bàn Hà Nội như công viên nước Tuổi trẻ, bể bơi Đại học Bách khoa (Q. Hai Bà Trưng), bể bơi 4 mùa Trần Hưng Đạo (Q. Hoàn Kiếm), bể bơi Phạm Ngũ Lão… số lượng khách đến bơi tăng 1,5-2 lần so với thời điểm trước đó. Vào những giờ cao điểm (sáng từ 5-6h, chiều từ 17- 18h), hầu hết các bể bơi đều trong tình trạng quá tải, đặc biệt là dịp cuối tuần. Khách đến đây chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên.

 

di-boi_qygj.jpg

Bể bơi Phạm Ngũ Lão thu hút trẻ em và thanh thiếu niên 

Nhu cầu đi bơi để “giải nhiệt” của người dân trong mùa hè là rất lớn, tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi đi bơi về mắc các bệnh về da, sốt, dị ứng, viêm xoang cấp, viêm tai giữa, viêm phổi…

Em Nguyễn Xuân Tùng (17 tuổi ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, qua tìm hiểu nhiều kênh thông tin được biết bơi lội là môn thể thao tốt cho sức khỏe nên sau khi nghỉ hè em xin bố mẹ đăng kí một khóa học bơi tại bể bơi gần nhà. Tuy nhiên, sau 2 ngày đi bơi về, Tùng thấy nhiều mụn nước nhỏ mọc ngoài da, ngứa ngáy khắp người, khó chịu. Mặc dù em đã bôi thuốc ngứa nhưng vẫn không ăn thua.

Lo ngại vấn đề chất lượng nguồn nước ở bể bơi dễ dẫn tới các bệnh ngoài da, nên anh Nguyễn Xuân Nguyên (ở Bác Cổ-Hoàn Kiếm-Hà Nội) cũng đang băn khoăn không biết có nên cho con đi bơi và nếu đi bơi thì cần phải lưu ý những điểm gì.

Lý giải về tình trạng nhiều người mắc bệnh về da sau khi bơi, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay hầu hết các bể bơi công cộng đều quá đông đúc, trong khi đó công tác vệ sinh, xử lý, lọc nước ở một số bể bơi lại thực hiện chưa tốt; người đi bơi chưa tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân trước đó như tắm tráng. Bên cạnh đó, nguồn nước bể bơi còn có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức thải ra như khạc nhổ, nước mũi, đờm dãi, thậm chí là nước tiểu… khiến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao.

Do đó, trong đợt cao điểm như mùa hè, mọi người khi đến bể bơi, nhất là trẻ em với làn da nhạy cảm rất dễ bị mắc các bệnh ngoài da như viêm da do nhiễm khuẩn, do nấm; các tổn thương da do chất khử khuẩn gây dị ứng, viêm nhiễm…

Cha mẹ nên chuẩn bị các vật dụng cần thiết như kính bơi, mũ bơi cho trẻ để tránh lây các bệnh truyền nhiễm khi đi bơi 

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, trẻ em khi đến bể bơi thường thích tắm quá lâu nên dễ bị nhiễm lạnh, nhẹ thì gây sốt, viêm họng, viêm tai, sổ mũi… nặng hơn là các bệnh về phổi. Một nhóm bệnh nữa, tuy ít hơn nhưng các phụ huynh cũng cần lưu ý là khi trẻ đi bơi dễ uống nước trong bể, nếu nguồn nước không đảm bảo sẽ gây nên các bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp…

“Cha mẹ khi đưa trẻ đi bơi cần phải hết sức thận trọng với dịch bệnh mùa hè như tay chân miệng, đau mắt đỏ… Vì trẻ bị tay chân miệng trong quá trình vận động, bơi lội có thể khiến cho các vết phỏng trên tay bị vỡ, bong tróc làm phát tán mầm bệnh vào nước bể bơi hay trên các thang trượt, tay vịn, ghế ngồi. Đây có thể là nơi phát tán các mầm bệnh cho những trẻ khác”, Bác sĩ Dũng lưu ý thêm.

Bơi lội là môn thể thao được nhiều người yêu thích, nhất là trẻ nhỏ, đặc biệt trong những ngày hè nóng bức. Ngoài sự sảng khoái, giải nhiệt, bơi còn giúp các em phát triển chiều cao, giúp cơ thể có sự dẻo dai săn chắc. Tuy nhiên để tránh các bệnh truyền nhiễm, theo các bác sĩ trước khi đưa trẻ đi bơi, cha mẹ nên chọn những bể bơi uy tín, tìm hiểu kỹ về thời gian hoạt động của bể cũng như chất lượng nước. Cha mẹ nên chọn bể bơi có công tác khử trùng tốt, màu nước trong xanh tự nhiên, nhìn thấy rõ đáy, không có vẩn đục hay vật thể lạ. Không nên cho trẻ đi bơi khi trẻ không khỏe, mới ốm dậy.

Trước khi cho trẻ xuống tắm, người lớn cần cho trẻ khởi động kỹ để tránh bị chuột rút, sốc nhiệt… Nhắc bé đeo kính bơi và không tháo kính dưới bể nhiều lần để tránh vi khuẩn xâm nhập vào mắt kính. Bên cạnh đó, cần tập trung quan sát, theo dõi tránh để trẻ đến chỗ quá sâu hoặc tắm quá lâu. Trong khi bơi cần tránh sặc nước, hạn chế nước vào tai và mũi, họng. Khi bơi xong, cha mẹ nhanh chóng lấy khăn tắm lau khô, ủ ấm cho bé, rồi đưa bé đi tắm nước sạch, lau khô giữ ấm để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ./.